Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung trực tuyến sáng ngày 03/03/2021, Đức Thánh Cha nói rằng chính Chúa Giêsu đã đưa chúng ta vào trong mối tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi, trong mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, và nhờ đó chúng ta hiểu và tin Chúa Cha đã yêu nhân loại như thế nào.
Chúa Giêsu nhập thể để mặc khải cho chúng ta tình yêu vô bờ bến của Chúa Cha; qua mầu nhiệm phục sinh, Người mở cửa Nước Trời cho chúng ta; và qua ơn Chúa Thánh Thần, Người cho chúng ta được chia sẻ tình con thảo của Người với Chúa Cha.
Ý thức về sự bất xứng của mình, chúng ta cũng xin Người “Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện”. Chúa Giê-su không chỉ dạy chúng ta cầu nguyện, Người còn tỏ cho chúng ta biết lòng thương xót vô bờ của Chúa Cha, Đấng ôm lấy những người con hoang đàng của mình và đi tìm kiếm mọi con chiên lạc.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Mở đầu bài giáo lý Đức Thánh Cha nhận định rằng chính nhờ Chúa Giê-su mà kinh nguyện đưa chúng ta đến với Chúa Ba Ngôi, đến với đại dương bao la của Thiên Chúa, Đấng là Tình yêu. Chính Chúa Giê-su đã mở cửa Thiên đàng cho chúng ta và hướng dẫn chúng ta đi vào tương quan với Thiên Chúa. Người đã làm điều này khi đưa chúng ta đi vào mối liên hệ với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đây là điều mà thánh Gioan tông đồ khẳng định ở phần mở đầu của Tin Mừng: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết ” (1,18). Chúa Giê-su đã mặc khải cho chúng ta căn tính của Thiên Chúa: Cha, Con và Thánh Thần.
Chúng ta thực sự không biết phải cầu nguyện như thế nào: lời nào, tâm tình nào và ngôn ngữ nào cho phù hợp với Chúa. Trong lời các môn đệ cầu xin Thầy mà chúng ta thường nhắc lại trong loạt bài giáo lý này, có cố gắng mò mẫm, lặp đi lặp lại của con người, thường không thành công, để hướng về Đấng Tạo hóa: “Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1).
Sự nghèo hèn của chúng ta trước Thiên Chúa
Đức Thánh Cha lưu ý: Không phải tất cả các lời cầu nguyện đều giống nhau, và không phải tất cả đều thích hợp: chính Kinh thánh cho thấy nhiều lời cầu nguyện bị từ chối, có kết quả tiêu cực. Có thể đôi khi Thiên Chúa không hài lòng với những lời cầu nguyện của chúng ta và chúng ta thậm chí không nhận biết điều đó. Thiên Chúa nhìn vào đôi bàn tay của những người cầu nguyện: để làm cho những đôi tay trở nên trong sạch thì không cần phải rửa; nhưng đúng hơn là cần phải xa tránh khỏi những việc làm xấu xa. Thánh Phanxicô đã cầu nguyện: “Không có người nào xứng đáng kêu cầu Danh Ngài” (Bài ca anh mặt trời).
Theo Đức Thánh Cha, có lẽ sự thừa nhận cảm động nhất về sự nghèo hèn trong lời cầu nguyện của chúng ta là lời đã xuất hiện trên môi miệng của viên đại đội trưởng La Mã, một ngày nọ đã cầu xin Chúa Giêsu chữa lành cho người đầy tớ bị bệnh của mình (x. Mt 8, 5-13). Ông ta cảm thấy mình hoàn toàn không xứng đáng: ông không phải là người Do Thái, ông là một sĩ quan trong đội quân chiếm đóng, bị ghét bỏ. Nhưng chính sự quan tâm đến người đầy tớ khiến ông dám nói: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (c. 8). Đó là cụm từ mà chúng ta cũng lặp lại trong mỗi phụng vụ Thánh Thể. Đối thoại với Thiên Chúa là một ân sủng: chúng ta không xứng đáng làm điều đó, chúng ta không có quyền để đòi, chúng ta “bất toàn” với mọi lời nói và mọi ý nghĩ… Nhưng Chúa Giê-su là cánh cửa đưa chúng ta đến đối thoại với Thiên Chúa.
Một Thiên Chúa yêu thương nhân loại
Tại sao con người cần được Thiên Chúa yêu thương? Đức Thánh Cha nói: Không có lý do rõ ràng, không có sự tương xứng … Nó quá không tương xứng đến mức hầu hết các thần thoại không nói về khả năng một vị thần quan tâm đến các vấn đề của con người; ngược lại, những điều này bị xem là gây khó chịu và phiền phức, hoàn toàn không đáng kể. Chúng ta hãy nhớ lời Chúa Giê-su nói với Dân Người, được nhắc lại trong sách Đệ Nhị luật: “Hãy nghĩ xem có dân tộc nào trong các dân lân cận của các người, lân cận với họ, như các ngươi có Ta ở gần các người?” Sự gần gũi này của Thiên Chúa chính là sự mặc khải!
Một số triết gia nói rằng Thượng đế chỉ có thể nghĩ đến chính mình; có chăng là chính con người chúng ta cố gắng thuyết phục vị thần và làm ngài hài lòng. Từ đó, bổn phận “thờ phượng”, với những cuộc rước tế tự và sùng kính được dâng cúng liên tục để được ơn trong mắt của một vị thần câm lặng và thờ ơ. Chỉ có Chúa Giê-su, chỉ có mặc khải của Thiên Chúa với ông Mô-sê, khi Người mặc khải chính mình, chỉ có Kinh Thánh mở ra cho chúng ta con đường đối thoại với Thiên Chúa.
Nhờ Chúa Giê-su chúng ta hiều được tình yêu của Thiên Chúa
Tiếp tục bài giáo lý Đức Thánh Cha nhận định rằng chỉ có nhờ Chúa Giê-su chúng ta mới có can đảm tin rằng một Thiên Chúa yêu thương nhân loại. Việc nhận biết Chúa Giê-su giúp chúng ta hiểu điều này. Điều chúng ta thấy khắc họa trong dụ ngôn người cha thương xót, hay trong dụ ngôn người mục tử đi tìm con chiên lạc (x. Lc 15) là một điều khó hiểu. Chúng ta sẽ không thể hình dung những câu chuyện như vậy, thậm chí không thể hiểu chúng nếu chúng ta đã không gặp Chúa Giê-su. Thiên Chúa nào lại chấp nhận chết vì con người? Thiên Chúa nào luôn yêu thương và kiên nhẫn, mà không đòi được yêu lại? Thiên Chúa nào chấp nhận sự vô cùng vô ơn của một người con trước đó xin chia gia sản và bỏ nhà đi phung phí mọi thứ? (x. Lc 15, 12-13).
Chính Chúa Giê-su mặc khải trái tim Thiên Chúa. Như thế, bằng cuộc đời của mình, Chúa Giê-su nói cho chúng ta biết Thiên Chúa là người Cha như thế nào. Không có người cha nào như Người. Tình phụ tử chính là sự gần gũi, cảm thông và dịu dàng. Chúng ta đừng quên ba từ: gần gũi, cảm thông và dịu dàng, là cách thức của Thiên Chúa. Đây là cách diễn tả tình Phụ tử của Người đối với chúng ta. Thật không dễ để chúng ta, đứng từ xa, tưởng tượng tình yêu tràn đầy nơi Ba Ngôi Chí Thánh, và chiều sâu của lòng nhân từ hỗ tương giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Các ảnh vẽ của Đông phương cho chúng ta một thoáng cảm nhận về mầu nhiệm này, điều là nguồn gốc và niềm vui của toàn vũ trụ.
Cầu nguyện là ơn của đức tin
Trên hết, chúng ta không thể tin rằng tình yêu thánh thiêng này sẽ mở rộng, đến với bến bờ nhân loại của chúng ta: chúng ta là những người đón nhận một tình yêu không gì sánh bằng trên trần gian. Giáo lý Công giáo giải thích: “Nhân tính thánh thiện của Đức Giê-su chính là con đường, nhờ đó Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa Cha của chúng ta” (số 2664). Đó là ân sủng của đức tin chúng ta. Thực sự chúng ta không thể hy vọng vào một ơn gọi cao cả hơn: nhân tính của Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta có được sự sống của Chúa Ba Ngôi.
Hồng Thủy – Vatican News
TIN LIÊN QUAN: