Vào Thứ Tư Lễ Tro này, ngưỡng cửa Mùa Chay, Phụng Vụ Lời Chúa nhắc nhở chúng ta ý nghĩa của thời gian cầu nguyện, sám hối và thực thi đức ái như chuẩn bị tâm hồn đón mừng mầu nhiệm Phục Sinh, mầu nhiệm tha thứ và ban sự sống.
Ge 2: 12-18
Bài Đọc I được trích từ sách Giô-en, vị ngôn sứ kêu gọi hoán cải trong thời kỳ tai ương hoạn nạn. Vị ngôn sứ cho thấy quyền năng của việc cầu nguyện, sám hối và nhất là hoán cải tận đáy lòng như thế nào để đạt được ơn tha thứ của Thiên Chúa.
2Cr 5: 20-6: 2
Trong thư thứ hai gởi các tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô khuyên các tín hữu hãy làm hòa với Thiên Chúa nhờ, bởi và trong Đức Ki-tô; nhờ đó họ có thể thay đổi cuộc sống.
Mt 6: 1-6, 16-18
Tin Mừng Mát-thêu ghi lại giáo huấn của Đức Giê-su liên quan đến việc bố thí, cầu nguyện và ăn chay, những hành vi mà chúng ta phải chu toàn đừng bận lòng về những xét đoán của người đời, nhưng chỉ dưới cái nhìn của Chúa Cha, Đấng thấu suốt những gì kín đáo.
BÀI ĐỌC I (Ge 2: 12-18)
Ngôn sứ Giô-en kêu gọi toàn thể dân chúng Giu-đa hãy sám hối và cầu nguyện: hãy ra sức khẩn nài Thiên Chúa và xin ơn tha thứ, vì hai tai họa đã giáng xuống trên quê hương: một năm hạn hán gây tang tóc và nạn châu chấu hoành hành. Thậm chí người ta không còn mang hiến lễ hằng ngày đến Đền Thờ vì không còn dầu, rượu, bột (Ge 1: 4-12, 16-20; 2: 2-11).
Không thể định vị biến cố này về phương diện lịch sử, vì chúng ta không biết ngôn sứ Giô-en đã sống vào thời đại nào: có thể vào cuối thế kỷ thứ bảy trước Công Nguyên, trước cuộc lưu đày Ba-by-lon, hay có thể đầu thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên, sau cuộc lưu đày. Mặt khác, vị ngôn sứ đưa ra hai thiên tai mà ông miêu tả như một ví dụ điển hình cơn thịnh nộ của Đức Chúa vào ngày Chung Thẩm.
1. Sám Hối
Ngôn sứ kêu mời hãy hết lòng trở về với Chúa kèm theo những cử chỉ sám hối: ăn chay, khóc lóc, van nài thống thiết, xé áo, những cử chỉ này gợi ra những nghi thức tang chế và diễn tả những tâm tình buồn phiền của con người trước tội lỗi của mình; ăn chay hổ trợ lời cầu nguyện và cũng diễn tả thái độ khiêm hạ. Nhưng ông không nhấn mạnh những cử chỉ này. Điều cốt thiết là “thay lòng đổi dạ”: “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng”.
Hết lòng trở về với Thiên Chúa không phải thực hiện trong nỗi xao xuyến nhưng trong niềm tin tưởng. Thiên Chúa tỏ mình ra “nhân hậu và từ bi, chậm giận và giàu tình thương” như Ngài đã tự định nghĩa về mình trước ông Mô-sê (Xh 34: 6). Với lời cầu nguyện chân thành, “biết đâu Thiên Chúa chẳng nghĩ lại mà hối tiếc vì đã giáng họa”.
2. Hiệp nhau cầu nguyện
Trước những tai ương, toàn dân, dù các cụ già, thiếu nhi, hay trẻ thơ, tân lang hay tân nương, hãy hiệp nhau mà khẩn khoản van nài Thiên Chúa.
Tân lang được nêu lên ở đây vì Luật cho phép họ miễn trừ mọi công tác và nghĩa vụ quân sự trong một năm: “Khi một người đàn ông mới cưới vợ, thì người ấy không phải đi lính, và người ta sẽ không bắt làm công tác nào; người ấy sẽ được miễn, được ở nhà một nă , và sẽ là niềm vui cho người vợ mới cưới” (Đnl 24: 5). Nhưng trong trường hợp này, mọi quyền ưu tiên phải nhường chỗ cho tình liên đới và hiệp thông trong lời cầu nguyện.
Còn các tư tế phải khóc than và nguyện cầu “giữa tiền đình và tế đàn”. Tế đàn ở đây là bàn thờ dâng hiến lễ toàn thiêu được định vị ở sân trong của Đền Thờ, được gọi “sân Tư Tế”. Khi băng qua hàng hiên phía tây, người ta ở trong tiền sảnh, đối diện với bàn thờ dâng hiến lễ toàn thiêu, và qua đó, đối mặt với chính thánh điện mà người ta hướng lời cầu nguyện về. Chính ở nơi tiền sảnh này mà ngôn sứ Giô-en đặt các tư tế Đền Thờ trong tư thế cầu nguyện.
Chính vì việc hoán cải tận đáy lòng và những lời khẩn nguyện chân thành mà Thiên Chúa đã đáp trả (ngôn sứ gợi lên sau đó tai ương chấm dứt, sự phồn vinh trở lại và mưa xuống trên các đồng cỏ, vân vân).
BÀI ĐỌC II (2Cr 5: 20-6: 2)
Thánh Phao-lô với tư cách “sứ giả thay mặt Đức Ki-tô” cũng kêu gọi các tín hữu Cô-rin-tô hãy hoán cải.
1. Hoàn cảnh
Chúng ta biết rằng trong thư thứ hai gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô này, thánh nhân phác họa một bức tranh về Sứ Vụ Tông Đồ, có tầm mức cao cả và phần thưởng dành cho nó. Theo cách này, ngài trả lời cho các tín hữu Cô-rin-tô, những người đã coi thường lời rao giảng của ngài và đàm tiếu về tước vị Tông Đồ của ngài.
Thánh Phao-lô vặn lại. Thánh nhân biết rất rõ ngài chỉ là khí cụ của Thiên Chúa, chỉ là người trung gian, nhưng người trung gian đã được Thiên Chúa ủy quyền với tư cách là “sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy”. Xa hơn một chút, thánh nhân tự định nghĩa về mình là “cộng tác viên của Thiên Chúa”.
Một trong những sứ vụ Tông Đồ được giao phó cho ngài mà thánh nhân gọi là “thừa tác viên của sự hòa giải”. Từ ngữ “hòa giải” không được dùng thông thường trong các thư của thánh nhân, nhưng lại tóm gọn thành quả hy tế của Đức Ki-tô: hòa giải con người với Thiên Chúa. Thánh nhân sẽ khai triển hai khía cạnh cốt yếu của sự hòa giải: Hòa giải là sáng kiến của Thiên Chúa và có giá trị tức thời.
2. Sáng kiến của Thiên Chúa
“Nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa”. Qua cách diễn tả này, thánh Phao-lô cho hiểu rằng hòa giải đến từ sáng kiến của Thiên Chúa, ân ban này đứng hàng đầu và nhưng không, Thiên Chúa phải trả một giá rất đắc, bởi vì Đức Ki-tô, “Đấng chẳng biết tội là gì, Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người”.
Nhưng lời van xin: “Hãy làm hòa với Thiên Chúa”, không hàm chứa một thái độ thụ động. Thánh nhân thường nói ở nơi khác: “Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Giê-su Ki-tô” (Rm 6: 11; Cl 2: 13, Ep 2: 3-4, vân vân). Nếu chúng ta đã đón nhận ân ban này (nhờ phép Rửa), phải làm cho ân sủng mà chúng ta nhận được đâm bông kết trái.
3. Giá trị tức thời
Thành quả của việc hòa giải với Thiên Chúa nhờ Đức Ki-tô mặc khải rằng ngày cứu độ đã đến. Thánh Phao-lô trích dẫn sấm ngôn của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị gởi cho những người lưu đày ở Ba-by-lon để loan báo cho họ giờ giải thoát sắp đến gần: “Ta sẽ nhận lời ngươi vào thời ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ” (Is 49: 8).
Thánh nhân đặt lời trích dẫn này vào thời hiện tại: “Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ”, bởi vì sấm ngôn đã được ứng nghiệm. Diễn ngữ “ngày Ta cứu độ” mang ý nghĩa kinh thánh: “thời đại”. Thời đại này được hiểu giữa biến cố Phục Sinh và ngày Quang Lâm của Đức Giê-su, tức thời chung cuộc, thời mà cuộc hoán cải của muôn dân sẽ được thực hiện. Nhưng đối với mỗi người Ki-tô hữu, cuộc hoán cải không được trì hoản: chính bây giờ là lúc thuận tiện, bây giờ là lúc phải tận dụng thời gian ngắn ngũi này để thánh hóa bản thân mình.
TIN MỪNG (Mt 6: 1-6, 16-18)
Đoạn trích Tin Mừng này thuộc phần thứ hai của bài diễn từ trên núi. Đức Giê-su vừa thiết lập một sự đối xứng giữa những giới luật Mô-sê và những đòi hỏi mới mà Ngài đề xuất: “Anh em đã nghe Luật dạy… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết”. Ngài đặt dấu nhấn trên việc nội tâm hóa luật luân lý. Ở đây, Đức Giê-su đan cử những ví dụ rất thích đáng và đối lập hai thái độ; vì thế, Ngài chọn ba việc thiện của Do thái giáo: bố thí, cầu nguyện và ăn chay.
1. Bố thí
Huấn thị bố thí được ghi trong Lề Luật: “Anh em đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng… Anh em phải cho một cách rộng rãi, và khi cho thì đừng miễn cưỡng; thật vậy vì việc đó, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ chức phúc cho anh emtrong mọi việc anh em làm và mọi công trình tay anh em thực hiện. Vì trong đất của anh em sẽ không thiếu người nghèo, nên tôi truyền cho anh em: hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh em, trong miền đất của anh em” (Đnl 15: 7-11). Huấn thị này chiếm một chỗ quan trọng trong văn chương kinh sư. Các sách minh triết cũng thường ca ngợi đức hạnh này. Nhờ Tin Mừng Gioan, chúng ta biết rằng Đức Giê-su, dù nghèo, cũng đã thực thi bố thí một cách kín đáo (Ga 13: 29). Bố thí không phải là một cử chỉ phô trương cho thiên hạ thấy, bởi vì Thiên Chúa là “Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo”.
2. Cầu nguyện
Đối với việc cầu nguyện, Đức Giê-su căn dặn cũng theo một cách thức như vậy: “Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh em”. Đức Giê-su đã nêu gương. Các tác giả Tin Mừng, đặc biệt thánh Lu-ca tường thuật cho chúng ta rằng Đức Giê-su thường tách riêng một mình để cầu nguyện “trong nơi vắng vẻ”, “trên núi cao cô tịch”, vào lúc đêm xuống.
Đức Giê-su không khinh thường việc cầu nguyện cộng đoàn, huống chi lời cầu nguyện phụng vụ. Rõ ràng Ngài không bao giờ công bố bất cứ lời nào chống lại hội đường; Ngài đã tham dự phụng tự hội đường, ở đó Ngài đã ngỏ lời; chính Ngài, Ngài đã công khai cầu nguyện trước các môn đệ và trước đám đông. Nhưng việc cầu nguyện mà Ngài lên án là đạo đức giả, chính là cầu nguyện cốt nhằm cho thiên hạ thấy mà ngợi khen mình. Cầu nguyện là đi vào trong mối tương quan thân thiết với Thiên Chúa, Đấng ngự trong cõi thâm sâu của lòng bạn.
3. Ăn chay
Luật Mô-sê chỉ đòi buộc một ngày ăn chay đó là ngày lễ Xá tội. Nhưng cũng có những ăn chay tùy ý, ăn chay tùy hoàn cảnh và ăn chay vì lòng đạo đức. Người Pha-ri-sêu ăn chay vì lòng đạo đức vào ngày thứ hai và thứ năm trong tuần.
Đức Giê-su đòi hỏi một sự biện phân tinh tế trong việc thực hành ăn chay. Khi ăn chay, đừng làm ra vẻ gì là mình ăn chay để không ai thấy là anh ăn chay ngoài trừ “Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo”. Đây là bài học về lòng khiêm hạ và tôn trọng sự thật. Hành vi tôn giáo có thể không đạt được mục đích nếu ý hướng sai lầm.
Nhưng điều Đức Giê-su đặc biệt muốn mặc khải, được lập lại đến ba lần như điệp khúc, đó là sự hiện diện của Thiên Chúa trong cõi thâm sâu nhất của con người. Đây là tôn giáo “thờ phượng Chúa Cha trong tinh thần và sự thật” mà Đức Giê-su đã mặc khải cho người phụ nữ Sa-ma-ri.
Lm. Inhaxiô Hồ Thông
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: