“Khôn – dại” – Chúa Nhật XXXII Thường niên – Năm A

 “KHÔN – DẠI”

 CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN – NĂM A

 (Mt 25, 1-13)

Trong ngôn ngữ đời thường, khôn và dại là hai tính từ chỉ hai tình trạng đối lập nhau. Tuy vậy, để kết luận một người nào đó khôn hay dại lại không dễ dàng chút nào. Một người buổi sáng khôn ngoan với hành vi thận trọng, bỗng buổi chiều trở thành dại khờ vì có phát ngôn không tốt. Khôn dại cũng được nhận định theo cảm nhận chủ quan của mỗi người. Ranh giới giữa khôn và dại thật mỏng manh, lượng giá xem dại hay khôn thật khó đoán. Vì thế mà cổ nhân dạy: “Khôn ba năm dại một giờ”. Một hành vi sai trái có thể làm cho người khôn nên dại; một cử chỉ khôn ngoan có thể biến người dại nên khôn. Một phút dại khờ có thể làm một người khuynh gia bại sản, một giây khôn ngoan có thể làm cho một người trở nên phú quý cao sang.

Sự khôn ngoan được nói tới trong Phụng vụ hôm nay hoàn toàn khác với quan niệm thông thường. Trước hết, Bài đọc I nói với chúng ta về Đức Khôn Ngoan (Lưu ý chữ viết hoa). Đức Khôn Ngoan được trình bày như một con người, một Đấng đang hiện hữu giữa chúng ta. “Ai tìm Đức Khôn Ngoan, thì Đức Khôn Ngoan cho gặp… Họ sẽ thấy Đức Khôn Ngoan ngồi ngay trước cửa nhà”.

Dưới ánh sáng của mạc khải Kitô giáo, chúng ta nhận ra Đức Khôn Ngoan được diễn tả trong Cựu Ước chính là Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể. Nơi Đức Giêsu, Đức Khôn Ngoan của Cựu Ước đã được “ngôi vị hóa”. Qua mầu nhiệm Nhập thể, Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận con người để đến gặp gỡ thân thiện với con người trần gian. Những ai nghe Đức Giêsu giảng dạy đều thán phục và trầm trồ khen ngợi, “vì người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1,22). Bằng cuộc sống và giáo huấn của Người, Đức Giêsu dạy cho con người thay đổi quan niệm về khôn – dại. Người khôn ngoan không chỉ là người có “chỉ số IQ” cao như ngày nay người ta thường nhận định, nhưng là người biết sống vì tha nhân, biết quan tâm đến những người xung quanh mình. Chúng ta hãy đón nhận giáo huấn của Chúa. Hãy để Lời Chúa thanh luyện để chúng ta đạt được sự khôn ngoan đích thực.

Cuộc sống người Kitô hữu chính là hành trình tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, tức là tìm kiếm Đức Kitô. Lịch sử đã chứng minh: ai gặp được Đức Kitô thì tìm được hạnh phúc. Biết bao người nam cũng như nữ suốt bề dày lịch sử đã can đảm chọn Chúa là gia nghiệp duy nhất và chấp nhận mất tất cả để đánh đổi lấy sự Khôn Ngoan. Họ là những vị thánh, được tôn vinh vì sự chọn lựa cao cả tuyệt vời ấy. Hôm nay, Đức Khôn Ngoan vẫn đang hiện diện giữa chúng ta để đồng hành với chúng ta trong hành trình kiếp người. Ai thành tâm thiện chí tìm kiếm thì sẽ gặp được Người.

Làm thế nào để gặp Đức Khôn Ngoan trong cuộc đời? Chúa Giêsu kể cho chúng ta nghe câu chuyện dụ ngôn về mười cô trinh nữ đi đón chàng rể theo phong tục tập quán của người Do Thái. Năm cô trinh nữ mang đèn mà không đem theo dầu bị kết án là những người dại dột. Các cô sống mà không có định hướng cho tương lai. Các cô chỉ a dua theo người ta đến đám cưới. Quan niệm về cuộc sống của các cô chỉ mang tính nhất thời, thiếu sâu sắc. Các cô quá chú ý đến việc trang điểm và y phục bề ngoài, mà quên rằng chàng rể có thể đến sớm và cũng có thể đến muộn. Các cô cũng quên rằng việc mang theo đèn có dầu thắp sáng là một điều kiện để theo chàng rể vào phòng tiệc.

Như trên đã nói, khái niệm khôn – dại mà Phụng vụ đề cập hôm nay hoàn toàn không giống như cách suy nghĩ của người đời. Thánh Phaolô đã quảng diễn điều đó trong thư gửi giáo dân Côrinhtô: “Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo. Nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, thì Ngài là Chúa Kitô, quyền năng của Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, vì sự điên dại của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sức mạnh của loài người” (1Cr 1,23-25). Theo quan niệm của người đời, người khôn là người biết làm lợi cho bản thân; trong quan niệm của Thánh Kinh, người khôn là người biết hy sinh cho kẻ khác. Cũng một sự kiện Đức Giêsu chịu treo trên thập giá, Người có đức tin nhận ra tình thương bao la của Thiên Chúa; người vô tín chỉ thấy thất bại nhục nhã và khổ đau.

Trong cánh đồng cuộc đời, cỏ lùng và lúa cùng mọc lên. Trong cuộc sống nhân sinh, người khôn và kẻ dại cùng hiện hữu. Người dại thường phải chấp nhận một số phận hẩm hiu, thua thiệt; người khôn lại mang số phận phú quý cao sang. Người Công giáo tin rằng với nỗ lực cố gắng của bản thân và với ơn phù trợ của Chúa, người ta có thể trở thành người khôn ngoan thực sự, nhờ lòng mến Chúa yêu người.

Khôn ngoan và dại dột không chỉ là hai hạng người hiện hữu trong cuộc sống, nhưng đó còn là hai thái cực đồng thời tồn tại trong cùng một con người. Nơi mỗi người luôn có sự khôn ngoan, nhưng đồng thời cũng vẫn còn sự dại dột, vì thế mà chúng ta phải thận trọng trong ngôn từ cũng như trong hành động, nhờ đó mà chúng ta trở nên người khôn ngoan, loạn trừ dần sự dại dột đang tồn tại trong chính chúng ta.

Chúng ta vừa long trọng mừng lễ Các Thánh. Chúng ta cũng đang cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục trong suốt tháng 11 này. Cuộc đời của các thánh giúp chúng ta suy nghĩ về sự khôn ngoan đích thực, giống như năm cô khôn ngoan trang bị đủ dầu. Số phận các linh hồn nơi luyện ngục lại nhắc ta phải tỉnh thức, để tránh rơi vào tình trạng bi thảm của năm cô khờ dại vì thiếu dầu. Dừng chân bên nấm mộ, chúng ta cảm nhận rõ hơn sự mong manh của phận người. Suy tư về sự chết, chúng ta nhận ra đâu mới là những giá trị tồn tại vĩnh viễn, giúp chúng ta đạt được sự sống đời đời. Như vậy, khôn ngoan hay dại khờ là do chính chúng ta chọn lấy cho mình.

+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

 

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org