Tản mạn từ hai bức chân dung

Thứ Sáu, ngày 16 tháng 5, hai ngày trước Thánh lễ khai mạc sứ vụ của Đức Thánh Cha Lê-ô XIV, Vatican Media cho công bố bức chân dung chính thức của vị Giáo Hoàng thứ 267 của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ. Bức chân dung ghi lại một khoảnh khắc thân thiện và giàu tính biểu tượng. Đức Thánh Cha đang mỉm cười với khuôn mặt hiền hậu và ánh mắt chứa chan sự dịu hiền. Ngoài chiếc mũ sọ màu trắng của giám mục, Đức Thánh Cha còn mặc chiếc áo alba màu trắng cùng với thánh giá mà vàng, là cây thánh giá ngài đã đeo trong lần xuất hiện đầu tiên trên ban công Đền Thờ Thánh Phêrô vào tối ngày 8 tháng 5 ngay sau khi đắc cử. Sự đơn sơ thuần khiết của chiếc áo trắng, kết hợp với vẻ bình an trong nụ cười của Ngài, truyền tải hình ảnh của một vị mục tử đơn sơ khiêm nhường nhưng đầy sức mạnh nội tâm, đúng với tinh thần phục vụ và hiệp hành mà Giáo Hội đang mời gọi trong thời đại hôm nay.

Vatican Media thông báo rằng: “Hình ảnh được cung cấp miễn phí, và chỉ được phép sử dụng trong các cơ sở tôn giáo. Mọi hình việc dụng vì mục đích thương mại hoặc các hình thức khác đều bị nghiêm cấm”.

Với bức chân dung này, Giáo Hội không chỉ giới thiệu dung mạo của vị Giáo Hoàng mới, mà còn gởi gắm một thông điệu mạnh mẽ về sự gần gũi bình dân, về lòng trung tín phục vụ và niềm hy vọng, khởi từ ban công Đền Thờ Thánh Phê-rô cho đến tận mọi ngóc ngách của thế giới hôm nay.

Trước đó, vào ngày 10 tháng 5, Phòng Nghi Lễ Phụng Vụ của Toà Thánh cũng đã công bố một bức hình khác của Đức Lê-ô XIV, trong đó Ngài mặc áo choàng đỏ (mozzetta), đeo dây stola thêu hoa văn trang trọng, khoác áo rochet trắng và mang dây thánh giá màu vàng trước ngực. Đây là phẩm phục truyền thống dành cho các dịp long trọng, phản ánh chiều sâu của lịch sử Giáo Hội và sứ mạng mục tử tối cao của một vị Giáo Hoàng. Áo choàng đỏ tượng trưng cho tình yêu đến mức đổ máu, nối dài truyền thống tử đạo từ thời các vị Giáo Hoàng sơ khai cho đến nay, gợi lên sứ điệp về một sự hiến thân tận tuỵ và trung tín trong sứ vụ của một vị Giáo Hoàng. Dây Stola là biểu tượng quyền bính của các Bí Tích, nhắc nhớ về căn tính phục vụ và chăm sóc trong sứ mạng của người mục tử. Áo rochet màu trắng có viền đăng ten nói lên chiều kích phụng vụ và diễn tả sự tinh tuyền của người sẽ dâng đời mình như một hy tế sống động lên Thiên Chúa.

Hai bức chân dung ấy, một giản dị gần gũi, một trang trọng và cổ kính, không hề đối lập nhưng bổ sung cho nhau. Cả hai đều là chân dung của một vị Giáo Hoàng biết kết nối truyền trống với hiện tại, hiền lành nhưng mạnh mẽ, khiêm tốn nhưng không thiếu thẩm quyền. Những hình ảnh đầu tiên ấy có thể giúp cộng đoàn tín hữu cảm nhận được một luồng sinh khí mới từ vị mục tử mới được ban cho cả Giáo Hội.

Quan sát theo kiểu “soi” thật kỹ, hai bức chân dung chừng như có một điểm chung: khuôn miệng của vị tân Giáo Hoàng cười hơi bị méo, đặc biệt là trong bức hình chân dung chính thức do Vatican Media cung cấp ngày 16 tháng 5. Trên làn da của Ngài cũng có những vết sần sùi vì chưa được “cà chuột”. Không ít người đã phản ứng theo hướng: “bức hình này xấu”, “không giống hình thật của Ngài”.

Có lẽ nhiều người quên mất đây là bức chân dung có chữ ký của Đức Thánh Cha, nghĩa là chính Ngài ít nhất đã duyệt qua. Có lạ không khi chính chủ nhân trình diện bức ảnh của mình, còn những người ngoài thì bảo là không giống?

Khi Đức Thánh Cha Lê-ô cười, có lúc khuôn miệng của Ngài hơi bị lệch một chút. Đó là gương mặt thật của Ngài, khuôn cười thật của Ngài. Chúa tạo ra Ngài như thế đó, và Ngài muốn trình diện mình như thế đó. Không cần phải qua chỉnh sửa hay lắp ghép. Đẹp hay xấu thật ra từ ánh mắt của người nhìn, và ánh mắt ấy ít nhiều bị điều kiện hoá bởi trào lưu văn hoá hiện đại. Có lẽ chúng ta đã quá quen với việc đi tìm một cái đẹp được chỉnh sửa rồi chăng? Những tiêu chuẩn như chỉnh chu cân đối, bóng bẩy bề ngoài, nhưng lại không thực, không phải là hình ảnh chân dung mà Đức Thánh Cha của chúng ta muốn tìm kiếm đâu. Ngài đâu có nhu cầu giải phẩu thẫm mỹ hình ảnh giống như thế giới hiện đại của chúng ta hay cần.

Trước khi có ảnh chính thức của Ngài, trên mạng đã phát tán đi những hình ảnh chân dung được tạo ra bởi AI. Cho đến khi đã có hình ảnh chính thức được Vatican cung cấp, vẫn còn rất nhiều người thích dùng chân dung AI của Ngài hơn. Có lẽ trong tâm trí chúng ta, những cái đẹp ảo ảo vẫn có sức hút hơn là những cái nét thật chăng? Giống như nhiều người khi có cơ hội đứng trước một tuyệt tác nghệ thuật của Châu Âu, thường hay bình theo kiểu buột miệng: tranh gì tối om, thấy ghê! Có lẽ chúng ta của ngày hôm nay chỉ quen với những thể loại nghệ thuật có màu sắc bắt mắt và đường nét bóng bẩy bên ngoài thôi chăng?

Đức Thánh Cha Lê-ô XIV của chúng ta đã bước ra ánh sáng, trình diện với Giáo Hội và với cả thế giới bằng con người rất thật của mình. Có những giọt nước mắt còn chưa kịp lau khô. Có ánh mắt ngỡ ngàng và không cầm được xúc động khi nhìn vào chiếc nhẫn ngư phủ trên chính đôi bàn tay mình. Có cả những lời thú nhận đầy chân thật và khiêm hạ: “Tôi đã được bầu chọn không phải vì bất kỳ công trạng nào của riêng tôi. Và bây giờ, với sự sợ hãi và run rẩy, tôi đến với anh chị em như một người anh em, người mong muốn trở thành người phục vụ đức tin và niềm vui của anh chị em” (trích bài giảng trong Thánh Lễ khai mạc sứ vụ)

Nếu không có khả năng đón nhận một bức chân dung thật, làm sao chúng ta có thể hiểu được những giọt nước mắt rất thật của Ngài?

Nếu không có khả năng đón nhận một bức chân dung thật, làm sao chúng ta có thể lắng nghe những lời thật tận đáy lòng của Ngài: “Giáo Hội cần đến anh chị em” (buổi tiếp kiến các Giáo Hội Đông Phương)?

Nhìn nhận một bức tranh đẹp hay xấu thật ra chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng từ những nhìn nhận rất nhỏ như thế luôn có thể ẩn chứa những bài học rất lớn mời gọi chúng ta hướng đến sự hoán cải theo thang giá trị của Tin Mừng, hướng đến hình ảnh Giáo Hội hiệp hành mà Đức Tân Giáo Hoàng của chúng ta mong ước: “Với ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy xây dựng một Giáo hội đặt nền trên tình yêu Thiên Chúa và trở thành dấu chỉ hiệp nhất, một Giáo hội truyền giáo, mở rộng vòng tay với thế giới, loan báo Lời Chúa, để lịch sử chất vấn mình, và trở thành men hòa hợp cho nhân loại” (trích bài giảng trong Thánh Lễ khai mạc sứ vụ).

Thử lại một lần nữa đặt mình trước bức chân dung mới nhất của Đức Lê-ô XIV, dành ra cho lòng mình một khoảng lặng, nhìn thật sâu vào ánh mắt chứa chan sự dịu hiền của vị mục tử… biết đâu bạn có thể được ơn hoán cải từ trong ánh nhìn của mình đấy!

Nguồn: https://dongten.net

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org