Tin theo Chúa Giê-su tử nạn và phục sinh – Chúa nhật XXIV thường niên – Năm B

Hình ảnh “người tôi tớ đau khổ” trong Isaia là biểu tượng của Israel, nay thể hiện nơi Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng vô tội, nhưng phải gánh lấy tội trần gian, thí mạng cho loài người để họ được ơn tha tội. Chúa Giê-su Ki-tô là Israel mới, là ánh sáng cho muôn dân, là niềm hy vọng chẳng những cho Israel dân Chúa, mà còn cho cả dân ngoại nữa.

Người Tôi Tớ đau khổ

Hình ảnh “Người Tôi Tớ đau khổ” bị chống đối: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50,6). Chịu đau đớn trong thân xác như: bị đánh vào lưng, bị giật râu, vừa đau lại vừa nhục (x. 2Sm 10,4), bị khạc nhổ vào mặt (x. Ds 12,14). Tất cả như báo trước về cuộc khổ nạn của Đức Giê-su Ki-tô, vị ngôn sứ thành Na-gia-rét phải mang lấy vào thân và hiện thực nơi Người.

Đức Giê-su Ki-tô chính là “Người Tôi Tớ khổ đau của Thiên Chúa”, chứ không ai khác. Người là Đấng Cứu Thế được Thiên Chúa tuyển chọn, tự nguyện gánh tội trần gian, đón nhận thập giá và biến nó thành phương tiện cứu độ con người, dùng chính cái chết của mình làm lễ giao hòa, hầu tha tội cho muôn dân, mang lại niềm vui cho nhân thế.

Chúa Giê-su, người tôi tớ đau khổ: bị vả vào mặt, giật tóc, giật râu, chịu đánh đòn nát cả thân thể, từ đỉnh đầu cho đến bàn chân, chăng có nơi đâu lành, chân tay đanh nhọn đâm thấu, cạnh sườn lưỡi đòng đâm thủng, bị treo trên thật giá rồi mà vẫn còn bị mắng nhiếc, nhạo cười.

Để chứng tỏ rằng Thiên Chúa yêu con người bằng một tình yêu hào phóng khi tạo dựng con người, và yêu với một tình yêu khổ đau để cứu chuộc con người, khi nghĩ ra cách hủy diệt chính mình, chịu đau đớn nhất, để minh chứng cho tình yêu ấy. Người tôi tớ đau khổ là thế đấy.

Bước theo Đức Ki-tô khổ nạn và phục sinh

Giảng trong Thánh lễ sáng thứ Ba, ngày 15/03/2016, tại nguyện đường Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói: “Nếu muốn biết ‘câu chuyện tình’ mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, chúng ta phải ngắm nhìn Thánh Giá, nơi ấy có một vị Thiên Chúa đã hoàn toàn ‘trút bỏ vinh quang’, sẵn sàng bị ‘vấy bẩn’ bởi tội lỗi con người để cứu con người khỏi chết” (Mt 12, 19-21).

Vỗn dĩ là Thiên Chúa, Đức Giê-su đã chấp nhận đau khổ và cái chết, không có nghĩa là Người tìm kiếm đau khổ cho mình. Người chịu như thế là vì vâng phục Chúa Cha, để cứu chuộc chúng ta như Thánh Phao-lô đã nói: “Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Kinh Thánh” (1Cr 15,3). 

Suốt ba năm công khai đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Đức Giê-su đã nhiều lần báo cho các môn đệ biết trước về số phận cứu thế của mình (x.Mc 8,31-33). Khi tụ họp tại Ga-li-lê-a, Đức Giê-su cũng tỏ cho họ biết: “Con Người sắp bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại” (Mc 9,30-32). Lúc sắp lên Giê-ru-sa-lem, dọc đường Đức Giê-su nói riêng với Nhóm Mười Hai (x.Mc 10,32-34).

Tất cả những gì các ngôn sứ viết về Người Tôi Tớ đau khổ, Đức Giê-su sẽ là người thực hiện. Đó là Tin Mừng và là đức tin Giáo Hội tiếp tục rao giảng cho muôn dân cho đến ngày tận thế.

Tin và thực hành

Tin Mừng hôm nay mô tả một hoàn cảnh đặc biệt. Phê-rô, người đã tuyên xưng Chúa Giê-su Kitô “là Ðức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mc 8,29). Liền sau đó, Đức Giê-su hé mở cho các môn ông hiểu rằng “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ, và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8, 31), làm đảo lộn tâm hồn ông, Phê-rô nổi loạn. Không thế được, không thế được. Làm sao Ðấng Ki-tô lại có thể bị đau khổ cho tới chết được? Phê-rô không chấp nhận con đường ấy, nên mới: “Kéo Người lui ra mà can trách Người” (Mc 8, 32).  Ý của Phê-rô là, Con sẽ theo Thầy, nhưng đừng nói đến Thánh Giá! Ðiều này không có gì liên quan với nó. Con sẽ theo Thầy với các khả năng khác, mà không có Thánh Giá.

Ngỏ lời với Hồng y đoàn trước khi khai mào sứ vụ ngai tòa Phê-rô, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói: “Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Ðức Ki-tô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa”.

Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình” (Mc 8, 34). Ý muốn của Thiên Chúa là chấp nhận thập giá.

Thì ra con đường của các môn đệ là theo Chúa Giê-su, Ðấng bị đóng đinh. Con đường “chịu mất chính mình”, để tìm lại được chính mình, như Đức nguyên Giáo hoàng Benedictô XVI viết: con đường “chịu mất chính mình“, là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (Ðức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).

Ngày nay Chúa Giê-su cũng mời gọi chúng ta: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta” (Mc 8, 34). Theo Chúa khi chấp nhận thập giá của mình với lòng yêu mến. Dưới con mắt thế gian, “chịu mất mạng sống” (Mc 8, 35) là một thất bại. Nhưng khi tự nguyện chấp nhận cái chết, Ðức Giê-su mang lấy thập giá của tất cả mọi người và trở thành suối nguồn ơn thánh cứu độ cho toàn dân.

Lạy Ma-ri-a, Mẹ đã sống lòng tin bằng cách trung thành theo Chúa Giê-su Con Mẹ, xin giúp chúng con bước đi trên con đường của Chúa Giê-su bằng cách quảng đại xả thân cho Chúa và cho tha nhân. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

Nguồn: tonggiaophanhanoi.org