Sa mạc Sahara – biên giới chết chóc của người di cư

Theo một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc, hành trình mà người di cư và người tị nạn thực hiện qua sa mạc châu Phi gây tử vong nhiều hơn so với vượt Địa Trung Hải, một trong những tuyến đường di cư nguy hiểm nhất trên thế giới. Hơn một ngàn người đã mất mạng trong ba năm qua. Ông Cochetel (UNHCR – Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn) đã cho biết: 79% hối hận vì đã quyết định rời đi. Đối với 70% những người đã rời khỏi đất nước của họ, Li-bi-a là điểm đến cuối cùng.

Nếu chúng ta hiểu Địa Trung Hải là một nghĩa trang, thì chính sa mạc là một sự thử thách. Với báo cáo mới nhất được xuất bản bởi UNHCR, Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Trung tâm Di cư Hỗn hợp (MMC) – UNHCR đã phỏng vấn 32.000 người di cư và tị nạn: “Trên hành trình này, không ai quan tâm bạn sống hay chết“, trong đó có các mô tả về các xác chết nằm rải rác trên cát của sa mạc Sahara. Họ tâm sự về nỗi sợ chết trong quá trình vượt biên khi phải chạy trốn khỏi đất nước của họ, điều này gây tử vong cho nhiều người. Hơn 60% những người đến Li-bi-a nói rằng họ đã đến đích cuối cùng là ở đó.

Ông Vincent Cochetel, Đặc phái viên của cơ quan Liên Hiệp Quốc về Tây và Trung Địa Trung Hải, đã trình bày tài liệu tại Geneva vào đầu tháng 07 và minh họa chi tiết cho Vatican News.

Tại sao việc đi qua sa mạc Sahara nguy hiểm hơn vượt Địa Trung Hải?

Mối nguy hiểm đầu tiên mà những người di cư và tị nạn nói cho chúng ta biết đó là các cuộc tấn công của các băng đảng tội phạm cướp bóc, chúng tước đoạt tất cả đồ đạc của họ. Đối với phụ nữ, có nguy cơ bạo lực tình dục cao hơn trên các tuyến đường này. Tiếp theo, đó là bạo lực được thực hiện bởi những kẻ buôn lậu hoặc các mối đe dọa của những kẻ buôn người: tống tiền, lao động cưỡng bức và đôi khi bóc lột tình dục. Nguy hiểm cũng đến từ chính quyền tại các đồn biên phòng, những người lạm dụng vị thế của họ để tống tiền từ những người không may mắn này; và không chỉ trên các tuyến đường đến Bắc Phi hoặc đến châu Âu bằng đường biển, mà còn cả trên các tuyến đường vào nội địa, khu phía nam lục địa châu Phi. Họ đã chứng kiến nhiều người phải chết trong sa mạc, những người ngã ra từ xe tải và không được những kẻ buôn lậu đón trong khi đã hứa đưa đón, những người bệnh bị bỏ rơi chơ vơ. Hầu hết trong số họ đã nhìn thấy xác chết rải rác trên những con đường này ở miền nam Algeria, miền bắc Niger và miền nam Li-bi-a, cũng có cả ở các khu vực khác của sa mạc Sahara. Khi câu hỏi được đặt ra đó là: “Bạn có biết ai đã chết trên biển không?“, câu trả lời ít hơn nhiều đã được đưa ra. Dựa trên cơ sở những lời chứng này, chúng tôi nghĩ rằng nhiều đã người chết trên đất liền hơn là số người chết trên biển.

Liệu Sahara có phải là “hố đen” dành cho các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế?

Hoàn toàn đúng là như thế. Có rất nhiều “hố đen” như thế này, mà không ai có quyền tiếp cận, hoặc là rất ít người. Rất khó để các tổ chức quốc tế đến đó vì điều kiện địa lý khắc nghiệt nhưng cũng vì một số chính phủ không muốn các tổ chức nhân đạo chứng kiến bạo lực bí mật và bất thành văn này. Hiện tượng những người di cư chết trong sa mạc ít được truyền thông đưa tin hơn nhiều so sự cố một chiếc thuyền gặp nạn ở địa trung hải, bởi truyền thông không được chứng kiến tận mắt hiện tượng này. Các tổ chức nhân đạo cần tìm các kênh thông tin khác nhau như: làm việc nhiều hơn một chút với các nhà lãnh đạo truyền thống, với chính quyền địa phương, họ là những nhân chứng và đôi khi thậm chí là nạn nhân của các băng đảng này. Cần làm việc trên một hệ thống tìm kiếm, xác định và giới thiệu những người kiểm soát các thị trấn nhỏ và ốc đảo trên các tuyến đường này.

Hồ sơ của những người di cư cố gắng vượt qua sa mạc đó là gì? Quốc gia xuất xứ của họ có được thay đổi không?

Ông Cochetel cho biết: Nói chung, hồ sơ thì không gì thay đổi nhiều. Chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu do Hoa Kỳ cung cấp. Khi người di cư và tị nạn vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu, khoảng một phần hai người xin tị nạn hoặc giấy phép nhân đạo ở châu Âu. Do đó, cứ hai người thì có một người được coi là cần được quốc tế bảo vệ. Người kia thường rời khỏi đất nước của họ vì lý do kinh tế hoặc để học tập ở châu Âu hoặc nơi khác. Trên lục địa châu Phi, tình hình ít nhiều giống nhau. Hầu hết người di cư và người tị nạn vẫn còn trên lục địa châu Phi. 70% vẫn ở lại đất nước gần với quốc gia xuất xứ của họ với ý định trở về nhà khi mọi thứ trở nên tốt hơn. Những thay đổi gần đây có tác động đến việc di chuyển này đến Bắc Phi là cuộc khủng hoảng ở Sudan – 10 triệu người phải di dời – và cuộc chiến ở Mali và Burkina Faso đã khiến nhiều công dân của các quốc gia này phải lưu vong. Một lần nữa, không phải ai cũng hướng đến Bắc Phi: nhiều người Burkinabé đã đến các quốc gia Vịnh Guinea ở Tây Phi.

Một khi những nguy hiểm của sa mạc Sahara đã được khắc phục, người ta vẫn muốn vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu?

Ở đất nước của họ, 21% số người được khảo sát cho biết họ có một điểm đến ngay từ trong tâm trí rồi và bất kể thông tin gì về những nguy hiểm kia, họ sẽ cố gắng hết sức vượt qua. 79% tỏ ra hối hận khi đưa ra lựa chọn này: nếu họ biết những rủi ro thực sự sẽ đến là gì, họ sẽ không thực hiện cuộc hành trình đó. Đối với nhiều người, Li-bi-a là điểm đến cuối cùng. 70% người dân đã đến đích cuối cùng của mình khi họ đến Li-bi-a.

Những chính sách tiếp nhận nào được áp dụng ở các nước Bắc Phi vào cuối hành trình qua Sahara? Những vi phạm và lạm dụng nào đã được báo cáo?

Vấn đề chính đó là tất cả các quốc gia Bắc Phi đã phê chuẩn các văn kiện quốc tế liên quan đến việc bảo vệ người tị nạn, cho dù đó là các công cụ quốc tế hay khu vực đi chăng nữa thì cũng không có quốc gia Bắc Phi nào có luật tị nạn. Tất cả các quốc gia khác trên lục địa châu Phi đều có hệ thống tị nạn hoạt động tốt hơn hoặc ít hơn, nhưng điều này không xảy ra ở Bắc Phi. Những quốc gia này luôn cho chúng tôi biết rằng họ là những quốc gia quá cảnh/trung gian. Nhưng điều đó không đúng. Vào thời điểm đại dịch ba năm trước, chúng ta đã thấy các cộng đồng thuộc mọi loại hình ở các nước Bắc Phi, cả người di cư và người tị nạn, hầu hết trong số họ làm việc trong khu vực không chính thức đối với nền kinh tế. Cũng không có khung pháp lý, những người này không có quyền cư trú. Tình hình của họ rất bấp bênh. Và khi sự cố xảy ra, vì có xích mích trong một số cộng đồng, thì có nguy cơ mọi thứ sẽ kết thúc cách tồi tệ. Chẳng hạn như làn sóng trục xuất người từ Algeria đến Niger, từ Tunisia đến Li-bi-a và các nước láng giềng khác. Những vụ trục xuất hàng loạt này không phải là giải pháp vì mọi người đi đến các quốc gia khác và sau đó rời đi ngay.

Những giải pháp bảo vệ nào có thể được phát triển để cải thiện hỗ trợ trên các tuyến đường Sahara này và bởi những tác nhân nào?

Các quốc gia cần phải đạt được một thỏa thuận. Không một quốc gia đơn lẻ nào có thể đáp ứng những thách đố trong việc quản lý tốt hơn các phong trào này trên lục địa của mình. Chúng ta phải làm việc trong cách tiếp cận dựa trên lộ trình, dựa trên những con đường mà người ta hay qua lại. Tính năng động trong cộng đồng không nhất thiết phải giống nhau. Vì vậy, chúng ta cũng cần tìm hiểu xem ai ảnh hưởng đến họ, cách họ tài trợ cho chuyến đi của mình, hoạt động chương trình nào có giá trị ổn định, nơi cần cải thiện việc bảo vệ và làm việc khi trở về, cũng có những người cần hỗ trợ để về nhà. Một loạt các hành động cần phải được đưa ra, không chỉ bởi các tổ chức nhân đạo. Các quốc gia phải chịu trách nhiệm về các giải pháp này dựa trên nghiên cứu thực địa, và chúng ta không được từ bỏ nghĩa vụ đoàn kết này. Trước hết, chúng ta phải cứu mạng sống con người, dẫu cho vị thế của họ như thế nào, cho dù họ là người tị nạn hay người di cư. Cứu mạng người là điều quan trọng, không phải chỉ lý do lo viện trợ khẩn cấp. Kẻ buôn người không cần biết người nào là người di cư, người nào là người tị nạn. Liên minh Châu Âu cũng phải giúp các quốc gia dọc theo các tuyến đường này đưa ra các cơ chế bảo vệ và hỗ trợ cung cấp các lựa chọn thay thế xứng đáng cho các hành trình nguy hiểm cũng như khi gặp biến cố bất thường. Tinh thần của các quốc gia châu Âu đã nhen nhúm đưa vào áp dụng với một số quốc gia châu Phi được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Valletta vào năm 2015.

Nguồn: Vatican News

Biên dịch: Lm. Phê-rô Nguyễn Văn Cao