Cuộc chiến không ngừng
Bom đạn vẫn không ngừng rơi tại Ucraina khi thế giới mừng lễ Phục sinh. Bạo lực tiếp diễn, máu người vô tội vẫn đổ ra, sợ hãi và đau khổ. Chúng ta cố gắng tin rằng Chúa Giê-su đã thực sự sống lại, rằng Người đã thực sự chiến thắng sự chết. Liệu điều đó có thể chỉ là một ảo ảnh, hay chỉ là một phần trong trí tưởng tượng của chúng ta chăng?
Không! Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta nghe vang vọng lời loan báo Phục sinh rất đỗi thân thương đối với Ki-tô giáo Ðông phương: “Chúa Ki-tô đã sống lại! Ngài đã sống lại thật rồi!” Hơn bao giờ hết, nhân loại đang cần Chúa bị đóng đinh và phục sinh. Chỉ có một mình Chúa Giê-su Phục sinh mang những vết thương mới có quyền nói với chúng ta về hòa bình. Những vết thương ấy là của chúng ta bởi vì chúng ta đã gây ra cho Ngài bởi tội lỗi của chúng ta, bởi sự cứng lòng của chúng ta, bởi sự thù hận anh em của chúng ta. Những vết thương trên thân thể của Chúa Giê-su phục sinh là dấu chỉ của trận chiến mà Người đã chiến đấu và chiến thắng cho chúng ta, đã chiến thắng bằng vũ khí của tình yêu, để chúng ta có được hòa bình và sống trong bình an.
Các tông đồ làm chứng tỏ tường
Chúa Giê-su sống lại là một thực tế của lịch sử mà những người phụ nữ thánh thiện, các tông và môn đệ chứng thực, họ đã nhìn thấy và nhất là đã đụng chạm vào Chúa Giê-su Phục sinh. Lời của Phê-rô là bằng chứng: “Chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giê-ru-sa-lem, Người là Đấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng ” (Cv 10, 37-41).
Chính Phao-lô, người Do thái nhiệt thành cũng quả quyết: “Vì tiên vàn mọi sự, tôi đã truyền lại cho anh em, điều mà chính tôi cũng đã chịu lấy: là Ðức Ki-tô đã chết vì tội lỗi ta, theo lời Kinh thánh, là Ngài đã bị chôn cất, là Ngài đã sống lại, ngày thứ ba, theo lời Kinh thánh, là Ngài đã hiện ra cho Kê-pha, đoạn cho nhóm Mười Hai. Rồi Ngài hiện ra cho hơn năm trăm anh em một lần, trong số đó phần đông hiện nay cũng còn sống, nhưng cũng có người đã yên nghỉ. Rồi Ngài đã hiện ra cho Gia-cô-bê; đoạn cho các tông đồ hết thảy. Cuối hết Ngài đã hiện ra cho cả tôi nữa, không khác một đứa con ranh“ (1 Cr 15, 3-8 ; Ga 20, 1-29) ; Mt 28, 9-10). Những người dân ngoại và Do thái cũng là những chứng nhân rất đặc biệt!
Bài Ca Tiếp Liên chúng ta hát trong Đêm Vọng Phục sinh nhắc lại biến cố lịch sử quan trọng này. Ma-ri-a Ma-đa-lê-na đã thực sự gặp các thiên thần làm chứng tỏ tường, thấy y phục và khăn liệm của Đức Ki-tô Phục sinh. Với hồng ân đức tin, đến lượt chúng ta phải công bố tin mừng Chúa Phục sinh (x. Ca Tiếp Liên lễ Phục Sinh).
Quả thật, Chúa Ki-tô đã sống lại sáng láng bước ra khỏi mồ, sau khi tiêu diệt sự chết, bẻ gãy mọi ràng buộc của ngôi mộ. Con Thiên Chúa không còn ở trong mộ, bởi vì Người không thể nào là người tù của sự chết (x. Cv 2, 24) và ngôi mộ không thể nào giữ lại “Ðấng hằng sống” (Kh 1,8), Ðấng là chính nguồn mạch của sự sống đã kết thúc cuộc hành trình nơi ngôi mộ như mọi người, nhưng Người đã chiến thắng sự chết, sống lại ra khỏi mồ.
Tin Mừng Lu-ca hôm nay mô tả, Người đã hiện ra với các môn đệ, khi các ông đang bàn chuyện. Họ khiếp đảm, kinh hoàng tưởng là ma”. Sống lại, Chúa Giê-su mạc khải sự phục sinh và thần tính của Người cho họ với thân xác phục sinh, đem lại cho họ niềm vui và tin tưởng trong cuộc đời đầy sóng gió.
Lời Người trách họ: tại sao hoảng hốt và có những suy nghĩ như thế ở trong lòng, khiến chúng ta lại nhớ lại chuyện Chúa đến với họ lúc gặp sóng gió trên biển để ngầm ý nói rằng: Người đã ngủ dậy, tức là đã sống lại; cộng đoàn của Người không còn gì phải sợ sóng gió trần gian nữa. Việc Người Phục sinh là chiến thắng vĩnh viễn.
Để thuyết phục họ. Chúa bảo họ sờ vào thân xác mang thương tích của Người để biết rõ đây không phải là “linh hồn” Người hiện về, nhưng là thân xác Người đã sống lại. Và để giúp họ tin hoàn toàn và dứt khoát, Người còn ăn một chút cá nướng trước mặt họ để họ thấy đây là thân xác đã sống lại thật chứ không phải linh hồn hiện về hay là ma. Có thể nói sự thật trước mắt đã xua đuổi hết mọi hồ nghi khỏi lòng môn đồ. Họ là những người có phúc vì được xem thấy. Nhưng họ còn là những người phải đi công bố Tin Mừng Phục sinh cho những người không được phúc xem thấy.
Bình an của Đức Ki-tô Phục Sinh
Dưới dáng dấp của một người lữ hành, tỏ ra không biết, rồi đồng cảm với hai môn đệ trên đường Em-mau, đã dùng Kinh Thánh để giải thích, bẻ bánh trước mặt hai ông, giúp các ông nhận ra Người (x. Lc 24, 13 – 35).
Trở lại Giê-ru-sa-lem, hai ông thuật lại cho các Tông Đồ. Đang lúc đứng bàn chuyện, Chúa Giê-su hiện đến với họ khiến họ kinh hoàng khiếp sợ và nói: “Bình an cho các con ! Thầy đây, đừng sợ” (Lc 24, 36). Đó là lời cầu chúc đầu tiên của Đức Ki-tô Phục sinh, kèm theo là những chứng tích ở tay chân với những vết thương, họ “vẫn còn chưa tin” (Lc 24, 41). Chúa phải nghĩ đến cách ăn cá nướng và mật ong, trích dẫn luật Môi-sen, lời các tiên tri và Thánh Vịnh là những bằng chứng không thể sai lầm về sự phục sinh và cuộc sống mới của Chúa. Chính Chúa thực hiện những lời Sách Thánh đã chép, và tiếp theo bằng miệng: “Chính Thầy đây” (Lc 24, 39), đúng Thầy là sự thật và là sự sống. Đó là lý do tại sao các tông đồ, những người ban đầu nghi ngờ, thậm chí khi nhìn thấy cơ thể sống của Chúa cũng chưa tin đã trở nên những chứng nhân rao giảng về sự sống lại của Chúa cách hùng hồn (x. Cv 4).
Lạy Đức Ki-tô Phục Sinh, xin ban cho thế giới bình an của Chúa. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: