GIAO ƯỚC MỚI
CHÚA NHẬT V MÙA CHAY – NĂM B
Theo nghĩa thông thường, “Giao ước” là sự cam kết, giao kèo giữa hai cá nhân hoặc hai tập thể. Mỗi bên đều có bổn phận tuân giữ những quy định được ghi rõ trong cam kết này, và bên nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Trong truyền thống Kinh Thánh, “Giao ước” là hiệp định ký kết bằng cách cả hai bên phải đi vào giữa hai phần những con vật được sát tế và xẻ đôi. Giao ước đối với toàn dân Ít-ra-en là Giao ước cũ (còn gọi là Cựu ước), được thực hiện tại núi Sinai qua việc ông Môi-sen rảy máu tế vật lên bàn thờ và trên dân. Giao ước giữa Thiên Chúa và dân của Chúa không chỉ là kết quả của sự thoả thuận của hai bên, mà còn là đặc ân vô điều kiện của Thiên Chúa (Từ điển Công giáo, Tr. 334).
Luật Giao ước là niềm tự hào của người Do Thái. Khi so sánh với các dân xung quanh, ông Môi-sen đã nói: “Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người? Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em?” (Đnl 4,8).
Nếu Thiên Chúa luôn trung thành giữ lời giao ước, thì con người lại hay vi phạm những điều đã cam kết. Tội lỗi và kiêu ngạo đã phá vỡ mối tương quan thân tình giữa Thiên Chúa và con người. Con người đã khước từ tình thương của Thiên Chúa và quay lưng chống lại Ngài. Vì vậy mà Thiên Chúa phải thiết lập một Giao ước mới. Giao ước ấy được ký kết, không còn bằng máu chiên máu bò, nhưng bằng máu của Con Một Thiên Chúa, là Đức Giê-su Ki-tô. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a (Bài đọc I) đã loan báo một Giao ước mới. Giao ước này không giống như giao ước Chúa đã lập với các bậc tiền nhân của người Do Thái. Giao ước mới sẽ biến đổi lòng dạ con người, giúp họ canh tân bản thân để nên hoàn thiện.
Trong bữa tiệc cuối cùng với các môn đệ, Chúa Giê-su đã lập phép Thánh Thể. Người trao cho họ chén rượu và nói: “Đây là máu Giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28). Tác giả Lu-ca còn nói rõ hơn: “Chén này là Giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20; 1 Cr 11,25).
Tại sao Thiên Chúa không dùng cách khác để cứu chuộc con người, mà lại dùng cái chết đau thương của Con Một Ngài? Nhiều thế hệ, quá khứ cũng như hiện tại, đã đặt ra câu hỏi này. Thực ra, Thiên Chúa có thể cứu độ con người bằng muôn vàn cách khác nhau, cũng như khi vũ trụ còn là hư vô, Chúa đã phán một lời, mọi sự được tác thành. Chỉ có câu trả lời “do bởi tình thương” mới có thể làm thoả mãn vấn nạn trên. Vâng, như người mẹ vất vả mang thai và sinh con và nuôi dưỡng nên người, Thiên Chúa cũng thể hiện tình thương của Ngài bằng cái chết đau thương của Con Một chí ái. Tuy vậy, nếu Đức Giê-su đã chết trên thập giá, thì ngôi mộ không phải là nơi cầm giữ Người mãi mãi. Chúa đã sống lại vinh quang. Hình ảnh hạt lúa gieo vào lòng đất, chấp nhận thối đi để nảy mầm đơm hạt mà chính Chúa Giê-su đã sử dụng khẳng định chân lý ấy. Đức Giê-su thành Na-gia-rét là Hạt Giống vĩ đại, đã chấp nhận chết đi để sinh ra một dòng giống mới. Từ cái chết của Người, một công trình tạo dựng mới đã được khởi sự, để rồi những ai sẵn sàng dìm mình trong sự chết của Đức Giê-su, sẽ được tái sinh và gia nhập Dân Thánh, Dân của Giao ước mới. Cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá đã xoá bỏ bản án nguyên tội ở khởi đầu lịch sử, thiết lập một trang mới trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại. Thánh Phao-lô nói với chúng ta (Bài đọc II): Đức Giê-su đã mang lấy trên bản thân mình muôn vàn đau khổ. Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người. Trong Mùa Chay, chúng ta ôn lại những chặng đường thập giá của Chúa Giê-su. Hôm nay, những chặng đường thập giá cũng đang đè nặng trên thân phận con người, ở nhiều hình thức và hoàn cảnh khác nhau. Ý thức có Chúa cùng vác với ta, thập giá cuộc đời sẽ bớt nghiệt ngã hơn. Xác tín vào sự hồi sinh của hạt lúa, chúng ta sẽ thêm niềm hy vọng giữa những tăm tối của cuộc đời.
Như cây đến mùa thay lá, như vườn nho đến ngày cắt tỉa, mùa Chay giúp chúng ta buông bỏ những gì cản trở chúng ta trên con đường theo Chúa và trong bổn phận đối với tha nhân. Những thực hành đạo đức của mùa Chay như chay tịnh, cầu nguyện và bác ái sẽ giúp cho con người cũ nơi chúng ta chết đi, trở thành con người của Giao ước mới, mặc lấy Chúa Giê-su Phục sinh.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: