“Thế giới của người mù rất nhỏ bé, như một cái chum”. Đó là tâm sự của một người phụ nữ bị bệnh và hoá mù ở tuổi 30. Quả vậy, trong bóng tối đặc quánh vì đôi mắt bị che phủ, người mù chỉ cảm nhận bằng đôi tay, qua những gì có thể sờ thấy. Tuy vậy, cuộc sống của người mù “chỉ bất tiện mà không bất hạnh”. Có nhiều người mù đôi mắt nhưng lại có những khả năng phi thường. Có những người mù là nghệ sĩ dương cầm, chuyên viên ẩm thực, thợ chữa đồng hồ hoặc ca sĩ nổi tiếng. Thượng Đế ban cho người mù một “con mắt” khác để bù lại đôi mắt đã bị lấy đi.
Nhân vật chính trong bài Tin Mừng hôm nay là một người mù từ khi bẩm sinh. Chúa Giê-su đã chữa cho anh được sáng mắt, giúp anh nhìn thấy được như bao người bình thường khác. Chữa lành người mù là đưa họ vào một thế giới mới. Người trước đây bị mù, khi được chữa lành, không chỉ cảm nhận được thế giới kỳ vĩ xung quanh với thiên nhiên tươi đẹp, mà anh còn nhận ra Chân lý. Anh đã tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng đến từ Thiên Chúa, là vị Ngôn sứ và là Đấng Cứu độ trần gian.
Nếu người thanh niên bị mù bẩm sinh là nhân vật chính trong câu chuyện, thì lại có nhiều nhân vật phụ cấu thành sự phong phú của sự kiện này. Phép lạ này được thực hiện trong bối cảnh khá căng thẳng giữa Chúa Giê-su và người Do Thái. Những người này phản ứng dữ dội trước lời giảng của Chúa Giê-su, khi Người tuyên bố “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Chúa Giê-su đến với một thế giới đang bị bóng tối che phủ và những người đương thời, xem ra đều “bị mù” do thành kiến, ích kỷ và độc đoán. Ngay từ đầu trình thuật, chúng ta đã thấy các môn đệ thưa Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”. Chúa Giê-su trả lời: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội”. Con người hồ đồ hay gán cho những sự kiện hay nhân vật lời kết án nghiệt ngã, trong khi Thiên Chúa là Đấng có quyền kết án thì lại không hề làm điều đó. Chúa Giê-su muốn giải thích cho mọi người hiểu: sự mù tối thiêng liêng còn nguy hại hơn mù tối thể lý.
Nhóm người mù tối thiêng liêng gồm: các môn đệ, một số người Biệt phái, kỳ lão và luật sĩ. Họ là những người học hành uyên bác, ấy vậy mà theo cách lập luận của họ đối với người trước đây đã bị mù, họ chẳng hiểu gì cả. Họ chỉ tìm cớ để hạch sách. Con mắt tâm hồn của họ bị mù tối. Họ cố tình lập luận để tìm cách tố cáo Chúa Giê-su. Họ kiếm cớ ngày Sa bát để bắt lỗi Chúa. Người mù chỉ được họ sử dụng như một nguyên cớ. Họ không vui mừng trước sự kiện một người thiệt phận nay được giải thoát khỏi bóng tối bao trùm cả cuộc đời. Những người này mới là người mù đích thực.
Trong số những người mù ấy, có cả cha mẹ của người được chữa lành. Thay vì vui mừng và cám ơn người đã chữa cho con mình, họ lại sợ hãi và tránh né câu hỏi hạch sách của những người Biệt phái. Họ cũng là những người cần được giúp đỡ để khai thông con mắt tâm hồn.
Nếu chàng thanh niên mù được chữa lành là nhân vật chính trong trình thuật, là để dẫn tới Chúa Giê-su là nguồn sáng thế gian. Qua phép lạ chữa người mù bẩm sinh, Chúa Giê-su chứng minh Người là Ánh sáng thế gian. Người mở mắt người mù, đồng thời cũng mở những tâm hồn mù tối, do ghen ghét hận thù và do ích kỷ nhỏ nhen. Lời tuyên bố của Chúa Giê-su ở cuối trình thuật đã khẳng định điều ấy: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!”
Người có con mắt sáng, là người có cái nhìn theo hướng dẫn của Chúa. Ông Samuel không xức dầu cho một người con nào khác trong số bảy người con của ông I-sai ở Belem, mặc dù những người con lớn cao to vạm vỡ, mà lại xức dầu cho Đa-vít là cậu út, vì Đa-vít là người được Chúa chọn (Bài đọc I).
Nhờ Bí tích Thanh tẩy, chúng ta trở nên con cái sự sáng. Chúng ta mang trong mình ánh sáng của Chúa Giêsu. Ơn gọi và bổn phận của người tín hữu là nên giống Chúa Giê-su, và làm lan toả ánh sáng của Người trong cuộc sống thường ngày. Cuộc sống trần gian là sự giành giật không ngừng giữa bóng đêm và ánh sáng. Có những lúc bóng đêm lại được tô vẽ bằng những ngôn từ mỹ miều choáng ngợp dễ làm cho người ta bị lừa. Vì thế, Thánh Phao-lô khuyên chúng ta: “Anh em hãy ăn ở như con của sự sáng, bởi vì hoa trái của sự sáng ở tại tất cả những gì là tốt lành, là công chính và chân thật” (Bài đọc II).
Mùa chay vừa giúp ta nhận và Chân lý, và giúp ta nhận ra những điều tốt đẹp nơi anh chị em mình. Nhờ việc phân định giữa “mù và sáng”, chúng ta cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đang hiện diện giữa chúng ta.
“Luôn nhìn thấy những người giỏi giang hơn mình, có nghĩa là chúng ta đang lên dốc; luôn nhìn thấy những người kém hơn mình, có nghĩa là chúng ta đang xuống dốc. Thay vì phàn nàn, hãy nghĩ về những thay đổi để tạo cho mình một tương lai tốt đẹp hơn” (Sưu tầm”.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: