Thánh lễ Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ hai tại Vatican

Sáng Chúa nhật 24/7, lúc 10 giờ tại bàn thờ Ngai toà bên trong Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Hồng y Angelo De Donatis, Giám quản Giáo phận Roma đã thay mặt Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ hai.

Trong bài giảng, trước hết, Đức Hồng Y bày tỏ niềm vui và vinh dự vì được thay mặt Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ Ngày Thế giới Ông Bà và Người cao tuổi lần thứ hai. Vì thế, ý nghĩ đầu tiên ngài dành cho Đức Thánh Cha Phanxicô đang trên đường đến Canada. Chính ngài đã muốn ngày này dành cho những người cao tuổi, để với gia đình và Giáo hội những người cao tuổi có thể cảm nhận được tình thương và sự nâng đỡ của tất cả mọi người, như Thánh vịnh nói: già cỗi rồi vẫn sinh hoa kết quả. Ở đây hoa trái là sự khôn ngoan, đức tin và tình thương.

Ân ban của cầu nguyện

Đức Hồng Y quảng diễn bài đọc thứ nhất trích từ sách Sáng thế để nhấn mạnh về những ân huệ nhận lãnh được trong cầu nguyện. Ngài nói: “Ông Ápraham xin Thiên Chúa không tiêu diệt thành Xơđôm và Gômôra. Ông là hình ảnh của nhiều người lớn tuổi ngày nay. Khi nhìn thấy thế giới đang gặp nhiều khó khăn, tiếp tục cầu xin Chúa ban bình an, sức khoẻ, sự hoà thuận, không phải cho chính họ nhưng cho con cháu. Với lời cầu nguyện, Ápraham đã kêu cầu lên Chúa, xin Thiên Chúa cứu độ. Ông biết Chúa sẵn sàng tha thứ, nhưng các thành đó bị đóng kín trong sự dữ làm tê liệt, đến nỗi không có đủ số người để có thể chuyển từ sự dữ sang sự lành. Tuy nhiên Ápraham sẽ có một dấu hiệu, đó Lót cháu của ông”.

Ápraham là hình ảnh của nhiều người cao tuổi ngày nay

Vị Giám quản Giáo phận Roma Roma nhận xét rằng ngày nay nhiều người lớn tuổi giống Ápraham xưa, chỉ mong muốn điều tốt lành và bình an cho con cháu. Người lớn tuổi biết rằng Thiên Chúa không bao giờ muốn tiêu diệt thế giới, nhưng thật đáng tiếc con người lại muốn và có khả năng làm điều này. Người lớn tuổi nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa có một trái tim của một người cha và của một người bạn. Vì thế, khi muốn xin một điều gì đó chúng ta hãy đến gõ cửa người bạn này, như câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay: một người đến gõ cửa nhà người bạn ban đêm để xin bánh cho anh bạn lỡ đường nghé lại nhà.

Đức Hồng Y nói: “Biết bao lần trong cuộc sống, trong khi bước đi giữa bóng tối cuộc đời, những người lớn tuổi luôn được hướng dẫn bởi la bàn của con tim. Và từ nhà đến nhà, từ con tim đến con tim ông bà dạy chúng ta rằng cầu nguyện là làm cho bánh yêu thương được loan truyền trong thế giới. cầu nguyện là thiết lập một liên kết tin tưởng vào lịch sử không đáng tin này. Ông bà đã dạy chúng ta gõ cửa Thiên Chúa. Họ dạy cho chúng ta rằng ngay cả khi cửa đóng, bên trong vẫn có một Người Bạn, một Người Cha”.

Các bạn trẻ hãy đến gõ cửa nhà ông bà

Hướng về các bạn trẻ, Đức Hồng Y khuyên: “Chúa đợi các con đến gõ Cửa của Người, đến nhà của ông bà của các con. Cách cửa này không ở xa, đó là ngôi nhà trong đó các con đã được sinh ra. Hãy đi đến gặp gỡ những người già đang sống cô đơn tại nhà hoặc trong các nhà chăm sóc dành cho họ. Chúng ta phải làm sao để không ai phải sống trong cô đơn. Đức Thánh Cha đã viết: Có một ai đó để chờ đợi, điều này có thể thay đổi định hướng ngày sống của người không mong đợi điều tốt đẹp đến trong tương lai; và từ một cuộc gặp gỡ đầu tiên có thể nảy sinh một tình bạn mới. Thăm viếng người già cô đơn là một việc làm của lòng thương xót của thời đại chúng ta”.

Gõ cửa nuôi dưỡng ước muốn 

Đức Hồng Y khuyến khích các bạn trẻ kiên nhẫn gõ cửa. Bởi vì, có những lúc từ cánh cửa xuất hiện một người lớn tuổi có thể với cây gậy trong tay, hoặc người này phải nhờ một người khác ra mở cửa. Trong cầu nguyện cũng vậy, phải kiên nhẫn và dứt khoát không phải vì Chúa không biết chúng ta cần gì, nhưng khi cầu nguyện, trong lúc gõ cửa, thời gian này nuôi dưỡng ước muốn của chúng ta, làm cho chúng ta hiểu điều gì thực sự là quan trọng, điều gì làm cho tâm hồn chúng ta rộng mở.

Kinh Lạy Cha: lương thực hàng ngày, tha thứ và cuộc chiến chống sự dữ

Ở phần kết của bài giảng, Đức Hồng Y mời gọi mọi người ý thức hơn trong khi cầu nguyện với kinh Lạy Cha. Lời cầu nguyện này theo Thánh Luca, Chúa Giêsu dạy chúng ta ba điều thực sự cần thiết: Lương thực hàng ngày, tha thứ và cuộc chiến chống sự dữ. Trước hết lương thực hàng ngày, làm cho chúng ta mỗi ngày ý thức rằng chúng ta cần Nước Trời và người khác; tha thứ để có thể tiếp tục sống với nhau, dấn thân vì người khác điều mà chúng ta muốn Chúa làm cho chúng ta; sau cùng là chiến đấu chống sự dữ để xây dựng một thế giới xứng đáng cho con người và Thiên Chúa.

Ngọc Yến – Vatican News

Facebook

Twitter

Email

Print