Ngày 13/5, Giáo hội mừng kính lễ Đức Mẹ Fatima. 5 năm về trước, vào chính ngày lễ này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hành hương tới “thành phố của Mẹ”.
Ngày 13/5/1917, trên đồi Cova da Iria, Đức Mẹ hiện ra với 3 trẻ chăn chiên: Lúcia dos Santos, cùng hai người em họ Francisco Marto và Jacinta Marto, tại làng Fatima, nước Bồ Đào Nha. Đó là lần đầu tiên trong số 6 lần hiện ra của Mẹ Maria, từ ngày 13/5 tới 13/10/1917. Và, thêm một mốc thời gian khác gắn liền với câu chuyện về Đức Mẹ Fatima: 13/5/1981, là ngày xảy ra vụ ám sát Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại quảng trường thánh Phêrô.
Chuyến hành hương tới Fatima
Ngày 13/5/2017, Đức Thánh Cha hành hương tới Đền thánh Đức Mẹ Fatima nhân kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại nơi đây. Vào dịp đó, với hơn nửa triệu tín hữu hiện diện, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ và nghi thức phong thánh cho Francisco và Jacinta Marto, 2 trong số 3 trẻ chăn chiên là những thị chứng nhân năm xưa. Trong bài giảng, ĐTC thúc giục chúng ta hướng về Đức Maria là nguồn hy vọng và hòa bình.
“Tôi không thể không đến đây để tôn kính Đức Trinh nữ và phó thác cho Mẹ con cái của Người. Dưới áo choàng che chở của Mẹ, họ sẽ không bị lạc mất; từ cánh tay Mẹ, họ sẽ nhận được niềm hy vọng và bình an mà họ đang cần tới. Tôi cầu xin ơn bình an và niềm hy vọng ấy đến với tất cả những người là anh chị em của tôi qua Bí tích Rửa tội cũng như cho toàn thể nhân loại, đặc biệt cho các bệnh nhân, những người tàn tật, các tù nhân, những người thất nghiệp, người nghèo và những cả những ai bị bỏ rơi. Anh chị em thân mến, chúng ta cùng cầu xin Thiên Chúa trong niềm hy vọng rằng những người khác sẽ lắng nghe chúng ta và chúng ta cũng hãy nói với họ với niềm xác tín chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ cứu giúp chúng ta.”
Đón nhận cuộc sống như một món quà
Cuối thánh lễ phong hiển thánh, ĐTC gửi lời chào tới các bệnh nhân, ngỏ lời với họ bằng những lời được trích xuất từ Tin mừng: “Chúa Giêsu biết rõ nỗi đau nghĩa là gì, Ngài thấu hiểu, an ủi và ban cho chúng ta sức mạnh như Ngài đã từng ban cho thánh Francisco Marto, thánh Jacinta Marto và tất cả các thánh thuộc mọi thời và mọi nơi”. ĐTC nhắc nhớ tới “thánh tông đồ Phêrô khi đang phải chịu xiềng xích tại Giêrusalem, toàn thể Giáo hội đều cầu nguyện cho Ngài” và “Thiên Chúa đã ủi an Phêrô.” Đó chính là “mầu nhiệm của Giáo hội: một Giáo hội kêu cầu Thiên Chúa an ủi những người đau khổ.”
“Anh chị em bệnh nhân thân mến, anh chị em hãy đón nhận cuộc sống này như là một món quà và hãy thưa với Đức Mẹ, giống như 3 trẻ chăn chiên từng làm, rằng các bạn muốn hết lòng dâng mình cho Chúa. Đừng cho rằng bản thân chỉ là người nhận tình đoàn kết bác ái, nhưng hãy cảm thấy mình tham dự gia cách trọn vẹn vào đời sống và sứ mệnh của Giáo hội. Sự hiện diện âm thầm của anh chị em có tác động mạnh mẽ hơn bất kỳ lời nói nào, lời cầu nguyện, những hy sinh hàng ngày từ bao đau khổ của các bạn phải chịu đựng sẽ được kết hợp với những khổ đau của Chúa Giêsu chịu đóng đinh để cứu chuộc nhân loại, sự ưng chịu nhẫn nại và thậm chí là vui mừng trước tình trạng của bản thân, tất cả những điều ấy là tài nguyên tinh thần, là tài sản của mọi cộng đoàn Kitô hữu. Vì thế, anh chị em đừng cảm thấy tủi hổ khi là một kho tàng quý giá của Giáo hội.”
Maria, Nữ Vương hòa bình
Ngày 14/5/2017, trong buổi đọc kinh Lạy nữ vương thiên đàng (Regina Caeli), ĐTC Phanxicô đã thúc giục chúng ta hướng về Đức Mara: “Chúng ta hãy để ánh sáng của Fatima soi dẫn. Xin Trái tim Vô Nhiễm Mẹ Maria luôn là nơi ẩn náu, là niềm ủi an của chúng ta và là con đường dẫn về với Đức Kitô”. ĐTC nhắc về chuyến hành hương tới Fatima, nơi mà “Đức Trinh nữ đã trọn trái tim trong sạch và sự đơn sơ của 3 trẻ nhỏ Francisco, Jacinta và Lúcia, những người loan sứ điệp của Mẹ. Các đấng ấy lần chuỗi hàng ngày, ăn năn sám hối và dâng những hy sinh để cho chiến tranh được chấm dứt và để cứu giúp các linh hồn rất cần đến lòng Chúa thương xót”
“Và ngay cả ngày nay, cần lắm lời cầu nguyện và việc ăn năn sám hối để cầu xin ơn hoán cải, để khẩn cầu cho sự chấm dứt của các cuộc chiến tranh trên toàn thế giới đang càng ngày càng lan rộng, cũng như những cuộc xung đột phi lí, dù lớn hay nhỏ đã làm biến dạng khuôn mặt của nhân loại”
Cũng trong buổi đọc kinh Regina Caeli đó, những lời chia sẻ của ĐTC có liên hệ tới tình trạng của châu Âu những ngày này, bị tàn phá nặng nề bởi vũ khí: “Tôi trao phó số phận của những dân tộc phải chịu đau khổ vì chiến tranh và các cuộc xung đột cho Đức Maria, Nữ Vương hòa bình”.
Amedeo Lomonaco – Vatican News
Chuyển ngữ: Maria Thùy Linh
TIN LIÊN QUAN: