Sáng thứ Bảy ngày 23/4/2022, tại giáo xứ Khoan Vỹ – Giáo hạt Lý Nhân, Ủy ban Bác ái xã hội Tổng Giáo Phận (TGP) Hà Nội đã tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Bác ái xã hội – Nghề hay sứ mạng”. Đây là buổi hội thảo thứ 7 trong lộ trình hội thảo Tiền Công Nghị của TGP.
Tham dự buổi hội thảo có sự hiện diện thân tình của Đức TGM Giuse, quý Cha Đặc trách Ủy Ban Bác ái TGP, quý Cha Đặc trách Caritas các giáo hạt, quý Cha trong Ban Thư kí Công nghị, quý Cha, quý nam nam nữ Tu sĩ và khoảng 350 tham dự viên đại diện đến từ Ban Bác ái các giáo xứ trong TGP.
Bác ái xã hội – Nghề hay sứ mạng
Dưới ánh sáng Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội, cha Giuse Nguyễn Văn Diễm, Phó Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội đã giúp các tham dự viên hiểu thêm và có cái nhìn sâu sắc về việc làm bác ái. Bác ái xã hội, không chỉ là một nghề, mà cao cả hơn, đó là một sứ mạng.
Trong phần thảo luận sôi nổi, các tham dự viên đã tích cực đóng góp ý kiến của mình để làm nổi bật ý nghĩa của người Công giáo làm công tác bác ái so với việc làm bác ái bên ngoài xã hội.
Với câu hỏi: Hiểu thế nào về “Của cho không bằng cách cho”, Anh Giuse Nguyễn Văn Lộc, thuộc Caritas giáo xứ Tân Lang đóng góp ý kiến: cách cho là quan trọng nhất và cần phải đặt mình vào vị trí của người nhận để cảm thông, chia sẻ và tôn trọng với họ. Đồng thời, anh đã đưa ra quan điểm của mình rằng “Còn sống là còn cho đi”.
“Việc làm này chỉ có người Công giáo mới làm được”. Đó là một chia sẻ thực tế khác của một hội viên Caritas, khi gia đình đi làm bác ái tại bệnh viện Xanh Pôn vào chiều 30 Tết hàng năm và nhận được lời nhận định trên của một gia đình khá giả khi đang điều trị tại đây.
Nỗi ưu tư của người làm bác ái
Đại diện cho các tham dự viên, những người làm công tác bác ái, anh Giuse Mai Quang Huy, Tiến sĩ quản lý Giáo dục, Hội viên Caritas giáo xứ An Thái đã trình bày về những suy tư của người hội viên qua đề tài: Niềm vui và những thách đố của người làm bác ái.
Vui vì được góp phần nhỏ nhoi của mình để giúp đỡ những người kém may mắn hơn, nhưng bên cạnh đó các tham dự viên cũng rơi vào những khó khăn nhất định làm cho việc làm bác ái bị ngăn trở như: Chưa được sự quan tâm tận tình từ các cha xứ; khó khăn trong việc liên kết với chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội; còn hạn chế về vấn đề hiểu biết trong công tác hoạt động bác ái; các gia đình “ngại” khi phải đóng góp; các hội viên ít, đã già cả nên đi lại khó khăn…
Từ đó, các tham dự viên ước mong được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm việc làm bác ái giữa các giáo xứ. Đồng thời, các tham dự viên cũng cần có trách nhiệm khi đã tham gia vào hội. Bên cạnh đó, cần trẻ hóa đội ngũ Caritas và xây dựng đời sống bác ái tập thể trong TGP.
Những huấn từ của vị Cha chung
Qua bài thuyết trình và bài tham luận của các vị đại diện, Đức TGM Giuse đã đưa ra 4 ý tưởng chính yếu Trước tiên, bác ái không phải là một nghề, bởi vì nghề nhắm tới lợi nhuận, nhưng bác ái là một sứ vụ Chúa trao cho mỗi người. Thứ đến, bác ái rất đa dạng ở nhiều lãnh vực. Tiếp đó, bác ái có nhiều điểm khác với bác ái của xã hội, người Công giáo thực thi bác ái theo giáo huấn của Chúa Giêsu và yêu mến, tôn trọng mọi người vì chúng ta nhận ra nơi người đó có Chúa Giêsu hiện diện, có hình ảnh của Thiên Chúa. Cuối cùng, bác ái là bản chất của Giáo hội. Nếu một ngày nào đó Giáo hội không thực hành đức bác ái thì Giáo hội đã đi sai con đường của Chúa, đánh mất căn tính của mình và Giáo hội không có khả năng truyền giáo.
Hiệp thông trong Thánh lễ tạ ơn
Sau những giờ hội thảo sôi nổi các tham dự viên cùng lắng lòng bước vào Thánh lễ tạ ơn do Đức TGM Giuse chủ sự. Mọi ưu tư đầy ắp cõi lòng, trước mầu nhiệm cao cả của Đấng Tối Cao, ơn sủng sẽ tuôn đổ dạt dào, tăng thêm sức mạnh giúp các tham dự viên sẵn sàng ra đi “theo gương Thầy Chí Thánh” đến với người nghèo khổ.
Tham gia vào công cuộc bác ái của TGP
Thế giới còn không ít những người nghèo đói. Mảnh đất hình chữ S cũng còn không ít những mảnh đời bất hạnh. Là những tín hữu Kitô sống theo tinh thần bác ái Chúa Kitô, xin cho mỗi người biết chung tay góp sức mình vào công cuộc bác ái của TGP bằng việc tích cực cộng tác vào các chương trình bác ái. Trong tinh thần tương thân tương ái, biết sẻ chia và sống tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, để cuộc sống của những người nghèo khổ bớt khổ đau hơn và mọi người được sống đúng với nhân phẩm của mình.
BBT
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org
TIN LIÊN QUAN: