Ảnh: Vatican News
Tượng Mẹ Fatima thánh du đến Ukraine; Đức Thánh Cha tôn vinh Thánh Giuse với “Tấm lòng người cha”; Tổng Giám mục ở Nga hoan nghênh thánh hiến quốc gia cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria; Tòa Thánh tái kêu gọi tiếp cận phổ cập vắc xin Covid-19 là những nội dung đáng chú ý.
Tượng Mẹ Fatima thánh du đến Ukraine
Khi Giáo hội đang chuẩn bị cho việc thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria, tượng Mẹ Fatima đã đến thành phố Lviv, miền tây Ukraine vào ngày 16/3.
Một bức tượng bản sao của bức tượng gốc ở Bồ Đào Nha đã khởi hành đến Lviv của Ukraine. Tượng Mẹ Fatima đã được Đức Tổng Giám mục Công giáo Hy Lạp Ihor Vozniak đại diện chào đón. Bức tượng sẽ ở lại Ukraine trong vòng một tháng.
Trước khi khởi hành, Cha Joaquim Ganhão của Vương cung thánh đường Fatima đã mời gọi các tín hữu tiếp tục cầu nguyện cho những nạn nhân vô tội của chiến tranh. Ngài nhấn mạnh rằng chiến tranh không bao giờ là câu trả lời cho những tranh chấp.
Đền Đức Mẹ Fatima cũng tiếp đón một số người tị nạn Ukraine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Các nỗ lực cứu trợ có sự tham gia của tất cả các giáo xứ và tổ chức Công giáo ở Bồ Đào Nha.
Có tổng cộng 13 bức tượng bản sao của Mẹ Fatima thánh du. Bức tượng đầu tiên được làm phép và trao vương miện ngày 13/5/1947. Kể từ đó, Mẹ Fatima thánh du đã đi khắp thế giới mang theo thông điệp hòa bình và tình yêu.
Đức Thánh Cha tôn vinh Thánh Giuse với “Tấm lòng người cha”
Thứ Năm, ngày 18/3, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô đã gặp gỡ khoảng 50 thành viên của Dòng Thánh Augustinô Nhặt phép.
Trong bài phát biểu, ĐTC Phanxicô tôn vinh Thánh Giuse như một hình mẫu cho các tu sĩ và linh mục. Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến “tấm lòng của người cha” và “lòng can đảm sáng tạo”.
Các linh mục và tu sĩ với “tấm lòng người cha” có nghĩa là có trái tim yêu thương, quan tâm và chăm sóc cho những người được trao phó cho mình, đặc biệt là những người đau khổ nhất. Trái tim yêu không ngưng nghỉ để đưa họ đến với Thiên Chúa và hưởng sự sống đời đời.
Thánh Giuse cũng thể hiện “lòng can đảm sáng tạo” khi đã tin cậy Chúa và đặt trọn niềm tin vào Ngài. Chúa đã ban cho Thánh Giuse ân sủng của Ngài để thực hiện sứ mệnh khó khăn được giao phó.
Gần đây, ĐTC Phanxicô cũng đã đề cao vai trò người cha nuôi của Chúa Giêsu. Ngài đã công bố Năm Thánh Giuse từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021 để kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Piô IX tuyên bố Thánh Giuse là đấng bảo trợ Giáo hội hoàn vũ. ĐTC cũng ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha.
Tổng Giám mục ở Nga hoan nghênh thánh hiến quốc gia cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria
Đức Tổng Giám mục Paolo Pezzi ở thủ đô Moscow đã “vô cùng vui mừng và biết ơn” quyết định của ĐTC Phanxicô khi thánh hiến Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.
Phát biểu qua điện thoại từ cuộc họp tại Siberia của Hội đồng Giám mục (HĐGM) Nga, Đức Tổng Giám mục Paolo Pezzi bày tỏ hy vọng vào sức mạnh của lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria để “ngăn chặn đổ máu”. Đức cha Pezzi từng là chủ tịch HĐGM Nga từ năm 2011 đến năm 2017.
ĐTC Phanxicô sẽ thánh hiến Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria vào ngày 25/3 tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
Cùng ngày, Đức Hồng Y Konrad Krajewski cũng sẽ chủ sự nghi thức thánh hiến tại Fatima, Bồ Đào Nha. Đức Hồng Y Krajewski là một trong hai đặc sứ của Đức Giáo hoàng được cử đến Ukraine vào tuần trước.
Ngày 25/3/1984 là ngày Đức Gioan Phaolô II thánh hiến nước Nga và thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria.
Tòa Thánh tái kêu gọi tiếp cận phổ cập vắc xin Covid-19
Trong tuyên bố đưa ra tại kỳ họp thứ 49 của Hội đồng Nhân quyền, Tòa Thánh tái khẳng định sự cần thiết của việc tạm thời đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ để đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng với vắc xin Covid-19 trên toàn thế giới.
Phái đoàn thường trực Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc lưu ý: “Các rào cản trong việc tiếp cận và phân phối vắc xin, thuốc và các công nghệ liên quan đến sức khỏe có liên quan sâu sắc đến quyền sở hữu trí tuệ”.
Vatican thừa nhận đóng góp của quyền sở hữu trí tuệ trong việc thúc đẩy và đổi mới phát triển công nghệ. Tuy nhiên cũng nhấn mạnh các quyền đó phải khuyến khích và tạo điều kiện cho việc theo đuổi lợi ích chung.
Phái đoàn Vatican nói rằng các chính sách và luật pháp nên tập trung vào sự đoàn kết và nâng cao phẩm giá con người trong khi thúc đẩy sự phối hợp hiệu quả trong và giữa các quốc gia.
Khánh Ly – WTGPHN
TIN LIÊN QUAN: