Đức Thánh Cha nhắc nhớ Ngày Quốc tế Bệnh nhân; Đức Thánh Cha gửi lời quan tâm đến Ecuador sau trận lũ kinh hoàng; Toà Thánh bày tỏ lo ngại về chủ nghĩa bài Do Thái gia tăng; ĐTC nhắc lại kêu gọi hoà bình ở Ukraina là những nội dung nổi bật.
Đức Thánh Cha nhắc nhớ Ngày Quốc tế Bệnh nhân
Trong buổi tiếp kiến chung ngày 09/02, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô nhắc lại ngày Quốc tế Bệnh nhân lần thứ 30 sẽ diễn ra vào thứ Sáu ngày 11/02. Ngày này được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập để khuyến khích các tín hữu, các tổ chức y tế Công giáo và xã hội dân sự chú ý hơn đến các bệnh nhân và những người chăm sóc họ.
Chủ đề của năm nay là “Hãy thương xót như Cha anh em là Đấng thương xót (Lc 6,36): Đồng hành cạnh những người đau khổ trên con đường bác ái”. ĐTC Phanxicô cho biết ngài mong muốn mọi người nhớ đến những người thân yêu bị bệnh để tất cả được chăm sóc về mặt sức khỏe và đồng hành về mặt thiêng liêng.
ĐTC Phanxicô cũng nhắc lại lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Năm nay cũng là năm kỷ niệm 160 năm Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức. Ngài cũng không quên nhấn mạnh rằng việc lắng nghe và an ủi người bệnh là điều rất cần thiết đến họ cảm nhận được sự gần gũi quan tâm.
Ngày Quốc tế Bệnh nhân lần thứ 30 sẽ không diễn ra tại Peru như dự kiến do ảnh hưởng của đại dịch. Thánh lễ sẽ được cử hành ngày 11/02 tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
Đức Thánh Cha gửi lời quan tâm đến Ecuador sau trận lũ kinh hoàng
Trong bức điện do Đức Quốc vụ khanh Pietro Parolin gửi thay cho Đức Tổng Giám mục của Quito, Đức Thánh Cha (ĐTC) Phanxicô bày tỏ sự đau buồn về sự ra đi của hơn 27 người do lũ lụt quét qua Quito ở Ecuador ngày 31/01. Ngài dành lời cầu nguyện cho các linh hồn qua đời và sự an ủi dành cho gia đình họ.
ĐTC vô cùng đau buồn khi biết tin thảm họa thiên nhiên đang tấn công đất nước và gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Ngài cầu xin Chúa ban ơn nâng đỡ, ủi an cho người thân của các nạn nhân và những người đang phải chịu đựng thời điểm đau khổ này.
Cuối cùng, ĐTC Phanxicô dâng lời cầu nguyện lên Đức Mẹ để Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho những người dân Ecuador chịu khó khăn vì thiên tai.
Toà Thánh bày tỏ lo ngại về chủ nghĩa bài Do Thái gia tăng
Ngày 8/02, Toà Thánh nhắc lại những những lo ngại về bạo lực gia tăng tại các nước châu Âu. Vatican cũng kêu gọi các quốc gia thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đảm bảo việc bảo vệ các cộng đồng Do Thái khỏi các cuộc tấn công và ngăn chặn tội ác này.
Phát biểu trong một hội nghị về chống chủ nghĩa bài Do Thái tại Warsaw, Quan sát viên Thường trực của Toà Thánh nhấn mạnh sự cần thiết của việc thừa nhận rằng không quốc gia châu Âu nào đứng ngoài cuộc.
Đức ông Janusz Urbańczyk nhấn mạnh rằng tình trạng này trở nên trầm trọng hơn trong cuộc khủng hoảng đại dịch, đặc biệt là trên mạng. Vatican lưu ý rằng cần phải chú ý đến vai trò của các nhà cung cấp dịch vụ internet và mạng xã hội. Nền tảng truyền thông đã giúp lan truyền những lời nói căm thù người Do Thái và những thông tin sai lệch.
Do đó, giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng tường thành chống lại chủ nghĩa tiêu cực này. Giáo dục đặc biệt giúp trẻ em và thanh thiếu niên nhận thức được trách nhiệm chung là bảo vệ phẩm giá con người.
ĐTC nhắc lại kêu gọi hoà bình ở Ukraina
Sau buổi tiếp kiến ngày 9/02, ĐTC Phanxicô tiếp tục kêu gọi hoà bình ở Ukraina. Ngài cảm ơn tất thảy những cộng đồng đã tham gia cầu nguyện cho hoà bình trên đất nước này vào ngày 26/01.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraina đã kéo dài trong nhiều năm. Gần đây, Nga đã có những động thái tại biên giới hai nước, làm dấy lên những lo ngại về bất ổn gia tăng. Trong diễn biến mới nhất, các nỗ lực ngoại giao đang được tiến hành nhằm xoa dịu căng thẳng.
Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 8/02 cho biết ông tin rằng các bước có thể được thực hiện để giảm leo thang căng thẳng.
Cả Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy đều nói rằng họ cam kết tuân thủ các nguyên tắc của một thoả thuận hoà bình năm 2014. Thỏa thuận Minsk đưa ra con đường để giải quyết các tranh chấp đang diễn ra.
Theo Vatican News, các nhà lãnh đạo các quốc gia châu Âu đều hướng tới mục tiêu chung là ngăn chặn chiến tranh nổ ra ở châu Âu và bày tỏ sự ủng hộ chung đối với chủ quyền của Ukraina.
Khánh Ly – WTGPHN
TIN LIÊN QUAN: