Thế giới trong ngày 13-8-2021: Đức Quốc vụ khanh Tòa Thánh ca ngợi chứng tá đức tin của người Công giáo Trung Quốc

Đức Hồng Y Pietro Parolin
Đức Hồng Y Pietro Parolin trong văn phòng của ngài ở Phủ Quốc vụ khanh. Ảnh: Vatican News

Đức Quốc vụ khanh Tòa Thánh ca ngợi chứng tá đức tin của người Công giáo Trung Quốc; Hội đồng Giáo hội Thế giới bày tỏ tình đoàn kết với quốc gia bị ảnh hưởng bởi cháy rừng; Các tổ chức bác ái Công giáo Mỹ hỗ trợ người di cư; Giáo hội Ấn Độ tưởng niệm các thai nhi; Công nhân may mặc Châu Á cần Giáo hội khi đứng trước tình cảnh lao đao là những thông tin đáng chú ý.

Đức Quốc vụ khanh Tòa Thánh ca ngợi chứng tá đức tin của người Công giáo Trung Quốc

Vatican News đưa tin, trong cuộc phỏng vấn trực tuyến với tờ tạp chí điện tử La Voce del Nordest, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã để cập đến một số vấn đề như quan hệ với Trung Quốc và sức khỏe của ĐTC Phanxicô.

Đức Hồng Y Parolin cho biết: “Chúng tôi luôn đối thoại” khi nhắc lại thỏa thuận lịch sử ký với Bắc Kinh năm 2018 và được gia hạn thêm hai năm trong năm 2020. Ngài cho biết, đại dịch đã khiến những cuộc thảo luận trở nên khó khăn hơn và hy vọng có thể sớm tiếp tục các cuộc họp giải quyết vấn đề đời sống Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc.

Đức Quốc vụ khanh bày tỏ sự gần gũi trong lời cầu nguyện và sự ngưỡng mộ. Ngài tự hào về những chứng tá đức tin của tín hữu Trung Quốc và hy vọng họ luôn là những công dân tốt, người Công giáo tốt trong chính đời sống mình.

Đức Hồng Y cũng đề cập đến sức khỏe của ĐTC Phanxicô và cho biết rằng ngài đang phục hồi tốt sau cuộc phẫu thuật hồi đầu tháng 7. Điều này có thể được nhìn thấy qua việc ĐTC chủ trì các buổi tiếp kiến chung hàng tuần và thậm chí là chuyến tông du vào tháng 9 tới ở Hungary và Slovakia.

Hội đồng Giáo hội Thế giới bày tỏ tình đoàn kết với các Giáo hội bị ảnh hưởng bởi cháy rừng

cháy rừng
Ảnh: Vatican News

Khi cháy rừng tiếp tục hoành hành ở Hy Lạp, Albania, Mỹ, Nga và nhiều nơi khác trong những tuần gần đây, Hội đồng Giáo hội Thế giới (WCC) đã gửi thông điệp đoàn kết tới các khu vực bị ảnh hưởng.

Theo Vatican News, WCC đã đưa ra thông điệp để bày tỏ sự gần gũi và đoàn kết với hàng triệu người đang vật lộn với đau thương và sự tàn phá của những đợt cháy rừng gần đây.

Tin tức về cháy rừng quy mô lớn ở Hy Lạp, Mỹ, Albania, Nga, Algeria và Thổ Nhĩ Kỳ đã tràn ngập trên khắp các trang báo. Những đợt bùng phát xảy ra khi Liên Hợp Quốc cảnh báo về những tác động không thể ngăn cản của biến đổi khí hậu. WCC lưu ý rằng một phần các hiện tượng cực đoan được coi là hậu quả của biến đổi khí hậu.

WCC dành lời cầu nguyện cho các nhà chức trách trong nỗ lực giảm bớt sự tàn phá của ngọn lửa. WCC cũng cầu nguyện cho các Giáo hội và ghi nhận những nỗ lực cứu trợ người bị nạn.

Trước chỉ trích về Covid-19, các tổ chức bác ái Công giáo Mỹ vẫn hỗ trợ người di cư

Tổ chức bác ái Công giáo Mỹ
Tổ chức Bác ái Thung lũng Rio Grande. Ảnh: CNA

Ngày 12/8, các tổ chức Bác ái Công giáo Mỹ đã khẳng định nhiệm vụ hỗ trợ người di cư, trong bối cảnh bị chỉ trích về hành động thiếu thận trọng gây lây lan Covid-19.

Theo CNA, các quan chức địa phương và tiểu bang Texas đã cảnh báo tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 cao trong số những người di cư không có giấy tờ tại biên giới Mỹ-Mexico. Lệnh mới hạn chế các hoạt động tình nguyện giúp đỡ người di cư.

Đáp lại động thái trên, tổ chức Bác ái Công giáo Mỹ và HĐGM bang Texas vẫn ủng hộ công việc của các cơ quan thành viên. Trong tuyên bố chung ngày 12/8, các Đức Giám mục Texas và tổ chức Bác ái Công giáo nói rằng: “Các nhân viên và tình nguyện viên của tổ chức Bác ái Công giáo quan tâm tối đa đến sức khỏe của cộng đồng nơi họ sinh sống và làm mọi cách để chống lại sự lây lan của Covid-19”.

Tuyên bố cũng khẳng định các tổ chức thành viên làm việc với quan chức chính phủ để cách ly các cá nhân, gia đình dương tính với Covid-19. Các tổ chức bác ái cung cấp những bữa ăn, thuốc men, quần áo, thậm chí còn cộng tác với một số nhóm khác để cứu người di cư khỏi nạn buôn người.

Tuyên bố cũng thừa nhận lo ngại khi số người di cư ngày một tăng và kêu gọi các quan chức cải tiến hệ thống nhập cư ở Mỹ.

Giáo hội Ấn Độ tưởng niệm các thai nhi

thai nhi
Hình minh họa. UCA News

Theo UCA News, Giáo hội Công giáo Ấn Độ đã dành ngày 10/8 để tưởng niệm hàng triệu thai nhi bị bỏ trên thế giới.

Khi Ấn Độ đánh dấu 50 năm của đạo luật về phá thai năm 1971, các Đức Giám mục cho rằng đạo luật này đã dẫn đến việc phá bỏ hàng triệu sinh linh trong bụng mẹ. Các Đức cha cũng kêu gọi chấm dứt hành vi phá thai vì sự sống là món quà quý giá Thiên Chúa ban.

Đức Hồng Y Oswald Gracias, chủ tịch HĐGM Ấn Độ, cho biết chỉ trong năm 2015, ít nhất 15,6 triệu thai nhi bị phá bỏ ở Ấn Độ.

Các giáo xứ trên khắp Ấn Độ đã cử hành Thánh lễ cầu cho các linh hồn thai nhi. Ngoài ra, giáo dân cũng thực hiện những chương trình trực tuyến đặc biệt để ủng hộ sự sống. Các giáo xứ, nhà dòng, chủng viện cử hành Giờ Lòng Thương Xót Chúa và các buổi cầu nguyện cho các em.

Công nhân may mặc Châu Á cần Giáo hội khi đứng trước tình cảnh lao đao

công nhân may mặc ở Bangladesh
Hàng nghìn công nhân may mặc ở Bangladesh đã mất việc làm trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, phải tiếp tục sống trong cảnh khốn cùng vì thất nghiệp. Ảnh: UCA News

Tác động của đại dịch Covid-19 cùng mối quan hệ mất cân bằng giữa các thương hiệu và nhà sản xuất đã khiến các công nhân ngành may mặc Châu Á rơi vào tình cảnh lao đao.

Theo UCA News, những hạn chế của đại dịch Covid-19 cộng với việc các thương hiệu và nhà bán lẻ hủy đơn hoặc ép giá đã đẩy hàng triệu công nhân ngành may mặc Châu Á phải đối mặt với tình cảnh thất nghiệp. Trong khi đó, phần lớn số công nhân là phụ nữ và là những trụ cột của gia đình.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), công nhân may mặc bị nợ khoảng gần 12 tỷ USD tiền lương chưa trả và trợ cấp thôi việc từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021.

Hãng tin Fides cho biết: “Đó là một con số đại diện cho nỗi đau khôn tưởng và thường là không thể bù đắp”. Trong tình cảnh đó, Giáo hội có thể sát cánh cùng hơn 65 triệu công nhân nghèo, hướng đến sự bao dung và lòng trắc ẩn. Một Giáo hội của người nghèo và vì người nghèo cũng là mong mỏi của Đức Thánh Cha Phanxicô từ khi ngài được bầu làm Đức Giáo Hoàng.

Khánh Ly – WTGPHN