Chương 2 – Tin Mừng Theo Thánh Matthêu

Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi

* Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ Phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, 2 và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” 3 Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. 4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. 5 Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: 6 Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”

7 Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. 8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” 9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở Phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. 10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. 11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và một dược mà dâng tiến. 12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

Đức Giê-su trốn sang Ai-cập và các anh hài bị giết

13 * Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” 14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. 15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. 17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a: 18 Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.

Từ Ai-cập về đất Ít-ra-en

19 * Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, 20 báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.” 21 * Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. 22 Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, 23 và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.


*2,1 Vào thời kỳ các sách Tin Mừng được biên soạn, văn chương Do-thái thích đưa ra những truyện thuật lại thời thơ ấu của các người hùng trong Kinh Thánh: truyện ông Áp-ra-ham, truyện ông Mô-sê vừa được viết xong. Tương truyền rằng một ngôi sao đã báo cho vua Pha-ra-ô biết một vị cứu tinh của người Híp-ri sắp chào đời, do đó nhà vua quyết định giết chết tất cả các bé trai, nhưng Mô-sê đã được cứu thoát. Trong giới người Ki-tô hữu cũng vậy, có những truyện dân gian thuật lại những mẩu truyện về thời thơ ấu của Chúa Giê-su mà Tin Mừng không hề ghi chép.

Chính trong bầu khí này mà tác giả Mt mượn lại một số truyền thuyết. Đây là cơ hội cho ông nói rõ, như trong một lời tựa của Tin Mừng, sứ mạng của Chúa Giê-su là thế nào: bởi vì Người bị đồng bào ruột thịt không đón nhận lại còn ngược đãi, nên Người sẽ đi loan báo Tin Mừng cho những người không thuộc dân Do-thái. Mt trích nhiều lần Cựu Ước, và mỗi lần lại thêm: “thế là ứng nghiệm”. Đó là cách Mt mời gọi chúng ta đọc lại một số đoạn văn Cựu Ước. Đúng là các đoạn văn này nói về dân Ít-ra-en, nhưng lại tiên báo Chúa Giê-su một cách huyền bí: theo một nghĩa nào đó, Chúa sống những kinh nghiệm mà dân Người đã sống trước đó: những hành trình, tìm kiếm, những niềm vui và tang tóc, nhưng với Người thì tất cả đều mang một ý nghĩa mới.Các nhà chiêm tinh là những tư tế được kính nể của đạo Da-ra-thu-sơ-tra, lại còn là những nhà thiên văn học và thầy bói toán. Ở đây, các ông đại diện cho những tôn giáo không biết đến Kinh Thánh. Hàng tư tế và lãnh đạo của dân Do-thái không đón nhận tin vui Chúa Giê-su chào đời, mà Thiên Chúa lại ban cho một số bạn hữu của Người thuộc dân ngoại được biết tin ấy. Bài học này có giá trị cho mọi thời đại: Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ của tất cả mọi dân tộc chứ không chỉ riêng cho những ai thuộc thành phần Hội Thánh mà thôi.

Ngôi sao ở đây gợi ý rằng Thiên Chúa ra dấu kêu mời mỗi người chúng ta từ cá tính riêng biệt và những suy tư rất quen thuộc mà mỗi người sẵn có. Người gọi các ông ngư phủ khi họ đi đánh cá về, và dùng một ngôi sao để chỉ đường cho các nhà thiên văn học đến với Người. Con đường dù đi từ đâu cũng sẽ dẫn đến Đấng chiếu toả vinh quang Thiên Chúa.

*2,13 Bài trình thuật cuộc trốn sang Ai-cập và vụ thảm sát các hài nhi vô tội làm nổi bật sự liên đới của Chúa Giê-su với những khổ đau quá khứ và hiện tại của dân Người. Hai câu trích dẫn sách ngôn sứ Hô-sê và Giê-rê-mi-a nhắc lại những chặng đường ấy.

Chúa Giê-su sẽ đi theo hành trình dẫn đưa từ đất lưu đày cho đến Đất Hứa, và Người sẽ nếm mùi đau khổ lo sợ mà tổ tiên Người đã từng trải qua. Những cơn bách hại bắt đầu ngay từ thuở Người mới sinh và sẽ đeo đuổi Người cho đến khi chết.Vua Hê-rô-đê này đâu tồi tệ gì hơn các thủ lãnh ở bất cứ thời đại nào, ham quyền thủ lợi hơn là phục vụ. Nhưng kẻ thù Tin Mừng dù có gây đổ máu bao nhiêu đi nữa cũng không tài nào bóp nghẹt được Giáo Hội hay đánh bại kế hoạch của Thiên Chúa.Truyền thống Giáo Hội vẫn luôn khẳng định rằng các hài nhi bị sát hại thay cho Chúa đây, dù kể như không có công trạng gì, cũng được chia sẻ vinh quang của Chúa. Như vậy chúng ta cũng được phép nghĩ rằng tình yêu nhiệm mầu của Thiên Chúa ấp ủ bao triệu trẻ em bị tàn sát cũng như những triệu triệu trẻ em khác bị giết chết khi chưa kịp mở mắt chào đời. Phải nghĩ thế nào về ngần ấy tiềm năng bị chà đạp ? Chính những người và những xã hội có trách nhiệm trong các vụ này sẽ chuốc lấy hậu quả: họ đã gieo mầm chết vào tận cội rễ dòng giống của mình. Nhưng Thiên Chúa nắm giữ trong tay số phận của hết mọi người, biết trước tất cả, và không một kẻ sát hại mạng sống con người nào có thể giới hạn lượng hải hà của Thiên Chúa.

*2,19 Trở về Na-da-rét. Nơi đây chấm dứt các bài trình thuật có thể xem như là lời tựa của Tin Mừng theo tác giả Mt. Nó nói lên sứ mạng của Chúa Ki-tô: là Vị Cứu Tinh bị đồng bào ruột thịt mình ruồng rẫy, bị nhà cầm quyền truy nã, Người sẽ quay về phía các dân ngoại. Chúa Giê-su phải sống ba mươi năm trời trong ngôi làng nhỏ bé này của miền Ga-li-lê – mà người Do-thái miền Giu-đê kể như là một tỉnh ngoại bang và ngoại đạo (4,15). Nơi đây, Người lớn lên và lao động như một bác thợ (Mc 6,3) trong khi thế giới mong chờ được cứu độ.

*2,21 Người sẽ được gọi là người Na-da-rét. Ở đây Mt chơi chữ với “nét-xe” nghĩa là mầm non (Is 11,1) và “na-dia” nghĩa là người thuộc về Thiên Chúa (Ds 6). Thời ấy, có những nhóm người đạo đức đi giảng thuyết và làm phép rửa giống như ông Gio-an Tẩy Giả, và họ được coi như những “na-dia”. Chúa Giê-su vừa là “nét-xe” vừa là “na-dia”.

Nhiều người tự hỏi Chúa Giê-su đã làm gì giữa tuổi mười hai, khi Người gây chú ý trong Đền Thờ (Lc 2,41), và tuổi ba mươi hoặc hơn nữa, khi Người bắt đầu cuộc đời công khai. Một vài kẻ giả danh thừa khoảng trống trong Tin Mừng để tưởng tượng Chúa Giê-su đi qua Ấn-độ học nghề phù thuỷ và thuật làm phép lạ với các nhà khắc kỷ Ấn giáo, hay còn kỳ thú hơn nữa, đi thăm viếng người ngoài hành tinh ! Bày đặt chuyện gì lại không được.Trước hết phải nhắc lại rằng sách Tin Mừng không phải là một tập sách “cuộc đời Chúa Giê-su”, kể truyện từ lúc Người chào đời cho đến lúc chết. Tin Mừng chỉ muốn nói cho chúng ta biết những lời quan trọng nhất mà Chúa Giê-su đã nói, và những hành vi cử chỉ có liên can đến thông điệp cứu độ của Người mà thôi. Hai Tin Mừng theo thánh Mác-cô và thánh Gio-an bắt đầu từ phép rửa Chúa Giê-su lãnh nhận từ tay ông Gio-an Tẩy Giả, đánh dấu bước đầu công cuộc rao giảng của Chúa. Sau này, hai tác giả Mt và Lc muốn thêm vào đó, như một lời tựa, các bài trình thuật về thời thơ ấu, để giúp chúng ta am hiểu con người huyền bí của Chúa.Thứ đến, chúng ta hãy đọc Mt 13,54-56. Khi dân làng Na-da-rét kinh ngạc thấy các phép lạ Chúa Giê-su làm, họ đâu có nói: “Ông ấy đã sống lâu năm ở nước ngoài, chắc đã học được nghề ở đấy !” Nhưng họ đã tự hỏi: Chuyện gì đã xảy ra cho con bác thợ mộc vậy ? Chúng ta biết ông ấy từ lâu, sao lại có chuyện này !Thứ ba là chúng ta hãy cố gắng hiểu rằng lời Thiên Chúa cũng đồng thời là một lời phàm nhân. Các ngôn sứ là những người đã kinh nghiệm những biến động mạnh và họ có điều gì đó muốn nói lên. Lời nói của họ phát xuất từ con người của họ mà cũng từ Thần Khí Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã không thể truyền thông lời Thiên Chúa nếu như, với tư cách là con người trần thế, Người không am hiểu lòng dạ con người. Những năm sống tại Na-da-rét đâu phải là những năm bỏ đi. Chúa Giê-su đã hấp thụ văn hoá dân tộc mình, đã sống những biến cố xảy ra trên quê hương mình; Chúa đã biết thế nào là lao động tay chân, kinh qua những tương quan trong xã hội, nếm chịu đau khổ và áp bức. Không có tất cả những cái đó, Chúa không thể làm Đấng cứu độ chúng ta. Nơi Chúa Giê-su, kinh nghiệm làm người và bản tính Thiên Chúa có tác động ngang nhau để cho tiếng nói của Người trở thành lời chân lý.

(Nguồn: tonggiaophanhanoi.org)

[related_posts_by_tax posts_per_page="8" taxonomies="category" format="thumbnails" image_size="medium" link_caption="true" columns="4" public_only="true" title="TIN LIÊN QUAN:" ]